Quy trình trồng và chăm sóc mắc ca giai đoạn kiến thiết theo tiêu chuẩn VietGAP(Phần 1)
VietGAP là viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices, có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam. Tiêu chuẩn này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng nhóm sản phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi.
VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân xây dựng kế hoạch sản xuất, thu hoạch, sơ chế biến nông sản phẩm sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất, hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả, bền vững.
Quy trình trồng và chăm sóc mắc ca theo tiêu chuẩn VietGAP cần đảm bảo các tiêu chí cơ bản:
+ Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không nguy hại, ngộ độc cho người tiêu dùng.
+ Quá trình chăm sóc mắc ca đạt các tiêu chuẩn an toàn cho môi trường và hệ sinh thái xung quanh, không mất cân bằng sinh thái, tạo thuận lợi cho phát triển mắc ca bền vững.
+ Nhân sự vận hành dự án cần được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn cao, tổ chức vận hành an toàn trong quá trình trồng và chăm sóc mắc ca.
+ Thực hiện các giải pháp công nghệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng thuận lợi, thông tin minh bạch.
Như vậy các sản phẩm mắc ca đạt tiêu chuẩn VietGAP là các sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng các hóa chất và các chất độc hại với con người cũng như môi trường. Các sản phẩm được sản xuất và thu hoạch đúng quy trình của tiêu chuẩn VietGAP, có nguồn thông tin truy xuất rõ ràng.
Phần 1: Quy trình trồng và chăm sóc mắc ca theo tiêu chuẩn VietGAP giai đoạn kiến thiết cơ bản
1.1 Tiêu chuẩn về tính chất lý hóa sinh của đất trồng mắc ca
+ Đất thịt nhẹ đến trung bình. Đất tơi xốp, dễ thoát nước, không bị ngập úng, tầng đất dày tối thiểu 70-80cm, giàu chất hữu cơ, giàu mùn, pHđất 5,5-6,5. Mắc không phù hợp trồng trên đất quá kiềm, đất sét nặng, đất đá ong, đất ngập nước, đất nhiều lưu huỳnh.
+ Độ cao so với mặt nước biển 200-1400m.
+ Độ dốc tối ưu dưới 30-35o.
+ Đất có hàm lượng hữu cơ cao, giàu mùn, giàu dinh dưỡng (các chỉ số NPK, EC, OM cần đảm bảo phù hợp mới cây mắc ca).
1.2 Tiêu chuẩn về điều kiện sinh thái
Mắc ca thích hợp trồng ở những nơi có điều kiện khí hậu mát mẻ, lượng mưa trung bình năm 1400-2700mm, ít gió bão, nhiệt độ trung bình năm từ 18-26oC (nhiệt độ trung bình ngày nóng nhất 33 – 36oC, nhiệt độ trung bình ngày lạnh nhất 9-15oC). Nhiệt độ quá cao trên 36-38oC, diễn ra trong thời gian liên tục 5-7 ngày có thể gây cháy táp lá non, đọt non (điển hình dòng QN1, 816). Nhiệt độ tối thích để mắc ca phân hóa mầm hoa 17-21oC.
1.3 Tiêu chuẩn về giống
+ Chọn giống mắc ca có đặc điểm phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, chăm sóc. Đảm bảo giống sạch bệnh trước khi trồng. Nếu là giống nhập ngoại cần phải kiểm dịch thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các dòng mắc ca phù hợp với điều kiện sinh thái tại khu vực Tây bắc: OC, 344, 800, 816, 842, 849, QN1, 741, A38, A4, A16, 246 (344 chưa được BNN công nhận).
+ Lựa chọn giống có tỷ lệ thu hồi nhân cao (trên 34-35%), trọng lượng nhân trung bình 2-3g, tỷ lệ nhân loại 1 ổn định, tỷ lệ hạt/nhân nguyên cao.
+ Giống phải cho năng suất, chất lượng quả ổn định (các đặc tính di truyền phải ổn định, ít bị thoái hóa sau nhiều năm).
+ Cây giống mắc ca được sản xuất theo phương pháp nhân giống vô tính(ghép). Giống có nguồn gốc rõ ràng, quy trình sản xuất giống được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn.
+ Có truy xuất cành ghép, hom ghép, đồng thời hom ghép phải được lấy từ các cây mắc ca đầu dòng. Cây đầu dòng phải là cây được định danh rõ ràng, ra hoa đậu quả, cho năng suất ổn định ít nhất 3 năm trở lên mới được khai thác hom ghép. Vườn cây đầu dòng phải được các sở ban ngành có liên quan kiểm tra, đánh giá, công nhận là vườn cây đạt chuẩn để khai thác hom ghép.
+ Giống phải được sản xuất từ các cơ sở uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép và chứng nhận.
+ Giống mắc ca phải được bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận.
1.4 Tiêu chuẩn về nước tưới
Quá trình chăm sóc cây mắc ca không được sử dụng nước sông/suối bị ô nhiễm hữu cơ, vô cơ. Nếu nguồn nước có dư lượng kim loại nặng (Pb, Hg, Cd, As, Cr) cần phải được xử lý trước khi tưới sao cho các chỉ tiêu về ngưỡng an toàn.
1.5 Tiêu chuẩn về kỹ thuật trồng mắc ca
+ Thiết kế đường đồng mức: Trồng trên đất dốc bắt buộc phải cắt băng, tạo đường đồng mức, mặt băng hơi nghiêng về phía taluy dương (chống xói mòn, rửa trôi, sạt lở băng). Chiều rộng mặt băng tối thiểu 2,8-3,2m.
+ Khoảng cách mật độ trồng: Mật độ trung bình 340-420cây/ha. Trồng với khoảng cách hàng cách hàng 6m, cây cách cây 4m (hoặc 6x5m).
+ Bố trí trồng xen giữa các dòng (nâng cao tỷ lệ đậu quả tự nhiên, đa dạng sinh học, hạn chế thoái hóa giống, hạn chế rủi ro mất mùa do điều kiện tự nhiên).
+ Chuẩn bị đất trước khi trồng 30-45 ngày: Đào hố kích thước (50-60) x (50-60) x (50-60)cm, phơi hố và bón vôi nếu pHđất < 5,5 (mỗi hố 0,5-1kg vôi CaO). Sau khi bón vôi 10-15 ngày tiếp tục bón lót 20-25kg phân hữu cơ hoai mục. Phân hữu cơ được trộn đều với đất mặt hố(với độ sâu ít nhất 30-35cm, rộng 60-70cm), sau đó lấp hố cao hơn đất mặt xung quanh 15-20cm, thực hiện cắm cọc giữa tâm hố, sau ít nhất 20-30 ngày mới triển khai trồng đại trà (trồng nổi, chống thối rễ, nghẹt rễ sau mưa).
1.5.1 Kỹ thuật trồng mắc ca
Bước 1: xác định vị trí đặt bầu cây
Tại tâm hố(vị trí cắm cọc trước đó), dùng cuốc đào một hố nhỏ có kích thước lớn hơn bầu cây (rộng 30-40cm, sâu 25-30cm).
Bước 2: Loại bỏ túi bầu và đặt bầu cây vào tâm hố đã đào ở bước 1
Sử dụng dao sắc cắt đáy túi bầu với vết cắt ngọt và gọn đồng thời tiến hành rạch nhẹ nhàng theo chiều dọc bầu cây để loại bỏ túi bầu trước khi đặt cây giống vào hố trồng. Khi trồng nên đặt bầu cây sao cho mặt bầu (cổ rễ) bằng hoặc cao hơn so với đất mặt 3-5cm (trồng nổi). Chú ý đặt bầu cây nhẹ nhàng và vuông góc với mặt đất, tránh làm vỡ bầu. Mắc ca có bộ rễ tơ, rễ mặt phát triển tập trung chủ yếu ở tầng đất 3-30cm do đó việc đặt bầu cây cao, trồng nổi giúp bộ rễ phát triển thuận lợi tuy nhiên cần phải chủ động duy trì độ ẩm đất, tưới nước định kỳ cho cây sau khi trồng, tiêu nước nhanh khi có mưa.
Bước 3: lấp đất phủ kín bầu cây, ổn định bầu cây
Sau khi đặt bầu cây đúng yêu cầu kỹ thuật(bước 2), dùng đất mặt xung quanh phủ kín bầu cây, không để hở cổ rễ. Để giữ cây ổn định cần phải dùng tay hoặc chân nén chặt đất xung quanh bầu, tuy nhiên không tác động lực trực tiếp lên bầu cây, tránh làm vỡ hoặc biến dạng bầu cây. Tiếp theo dùng cuốc cào đất mặt xung quanh hướng vào bầu cây, tạo 1 vòng tròn nổi nhô cao hơn so với mặt đất xung quanh 5-10cm, đường kính 60cm (mục đích khi tưới nước hoặc mưa tránh bị úng nước, gây thối rễ, lở cổ rễ và hở bầu).
Bước 4: Cắm cọc ổn định thân trên của cây, chống nghiêng cây, ổn định cổ rễ, hạn chế tình trạng nong cổ rễ (cọc cắm cố định thân trên của cây mắc ca cần kiểm tra thường xuyên, cọc và thân cần phải được cố định bằng dây mềm, duy trì ít nhất 1 năm sau khi trồng).
1.5.2 Kỹ thuật chăm sóc mắc ca sau khi trồng
+ Duy trì tưới nước đủ ẩm, không để cây khô hạn, thiếu nước.
+ Sau trồng 5-10 ngày triển khai tưới chế phẩm phân bón nano AKH Super plus thúc rễ phát triển, chống bó rễ, hạn chế nghẹt rễ, vàng lá, cây còi cọc, chậm phát triển.
+ Triển khai cắt tỉa tạo tán định kỳ, chủ động điều tiết các cành cấp 1-2, hạ thấp chiều cao cây, tạo tán thông thoáng, hạn chế các cành đan xen nhau, nâng cao chỉ số diện tích lá tối ưu (chỉ số LAI).
+ Chủ động các phương án phòng trừ sâu bệnh hại cho mắc ca giai đoạn kiến thiết cơ bản (sâu hại và côn trùng chích hút: kiến, rệp sáp, rệp muội, sâu vẽ bùa, câu cấu, cào cào, sâu róm, tuyến trùng, mối gốc, sâu đục thân; bệnh hại: bệnh vàng lá thối rễ, lở cổ rễ, bệnh xì mủ thân gốc, bệnh đốm lá, thán thư, cháy lá, bệnh virus chổi rồng,..).
+ Thực hiện các biện pháp chăm sóc mắc ca phát triển cân đối, khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng cho cây, hạn chế sâu bệnh hại.
1.5.3 Kỹ thuật cắt tỉa, phân cành cấp 1 cho mắc ca
Có nhiều kiểu phân cành cấp 1, tùy thuộc vào thực trạng sinh trưởng và phát triển của cây mắc ca, tùy dòng/giống và điều kiện sinh thái từng vùng.
Kiểu phân cành cấp 1 đồng trục, đối xứng: là kiểu phân cành đối xứng trong đó các cành cấp 1 phát sinh-phát triển từ 3 nách lá cùng 1 thời điểm, ở cùng 1 vị trí. Kiểu phân cành này khá đơn giản, bắt đầu từ vị trí bấm ngọn, sau khi trồng các nách lá sẽ phát triển 3 mầm cành sinh dưỡng, 3 cành này sau đó trở thành cành cấp 1. Cành cấp 1 tiếp tục được nuôi dưỡng đến khi chiều dài cành hóa gỗ ở vị trí 30-40cm thì bấm cành, từ vị trí nách lá này sẽ phát triển ra 2-3 cành cấp 3,...
Kiểu phân cành cấp 1 không đồng trục, bất đối xứng: là kiểu phân cành trong đó các cành cấp 1 phát sinh, phát triển từ các vị trí nách lá khác nhau (từ 2 vị trí trở lên). Các cành cấp 1 thường nằm ở vị trí so le nhau và không phát triển từ cùng 1 điểm (không đồng phẳng). Kiểu phân cành bất đối xứng có thể bị lệch tán giai đoạn đầu do các cành cấp 1 phát triển không đồng thời ở cùng một thời điểm (tuổi sinh lý sẽ khác nhau ở giai đoạn đầu).
1.6 Tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật và quản lý sâu bệnh hại tổng hợp
+ Sử dụng các hoạt chất thuốc BVTV có trong danh mục được bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành theo thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 09 tháng 9 năm 2020.
Một số nhóm hoạt chất thuốc BVTV bị cấm, bị loại bỏ khỏi danh mục cấp phép lưu hành tại Việt Nam được bộ nông nghiệp ban hành kèm theo quyết định số 3435/2018/QĐ-BNN-BVTV ngày 28 tháng 8 năm 2018: Acephate (min 97%), Acephate 21% + Chlorpyrifos Ethyl 14%, Acephate 50% + Imidacloprid 1.8%, Diazinon (min 95 %), Diazinon 6% (30%) + Fenobucarb 4%, Malathion (min 95%), Fenvalerate 6 % + Malathion 15 %, Zinc Phosphide (min 80%). Hai hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl và Fipronil được loại bỏ khỏi danh mục theo quyết 501/QĐ-BNN-BVTV ban hành ngày 12/02/2019.
Quá trình quản lý cỏ dại không sử dụng thuốc hóa học độc hại, ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí và sinh trưởng cây mắc ca. Tuyệt đối không sử dụng các hoạt chất 2,4D; Paraquat và Glyphosate phun trừ cỏ trên diện tích trồng mắc ca (3 hoạt chất này bị cấm và đã bị loại khỏi danh mục thuốc BVTV được cấp phép tại Việt Nam theo quyết định số 278/QĐ/BNN-BVTV ban hành ngày 8/2/2017 và 1186/QĐ/BNN-BVTV ban hành ngày 10/04/2019).
+ Hạn chế sử dụng các nhóm thuốc có nguồn gốc hóa học, nếu bắt buộc phải sử dụng cần tuân thủ theo nguyên tắc bốn đúng: đúng thuốc – đúng nồng độ liều lượng – đúng thời điểm – sử dụng thuốc đúng cách. Ngoài ra cần tuân thủ đúng thời gian cách ly đối với từng nhóm thuốc, hoạt chất thuốc (đặc biệt đối với mắc ca kinh doanh). Ưu tiên lựa chọn các giải pháp sinh học, công nghệ nano tiên tiến trong quá trình chăm sóc mắc ca, hạn chế tồn dư hóa chất độc hại trong đất, nguồn nước và quả mắc ca sau thu hoạch.
+ Xây dựng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM (integrated Pest Management). Về cơ bản để quản lý dịch hại tổng hợp trên mắc ca teo tiêu chuẩn VietGAP trong quá trình trồng và chăm sóc mắc ca, cá nhân/doanh nghiệp cần tổ chức vận hành theo nguyên tắc sau đây:
Một là: nghiên cứu, lựa chọn bộ giống đạt tiêu chuẩn, cho năng suất quả ổn định, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng (độ dốc, độ cao, tính chất đất, lượng mưa, nhiệt độ trung bình năm,...). Cây giống khỏe mạnh, không sâu bệnh, có kiểm soát dịch bệnh trước khi trồng đại trà.
Hai là: Phát triển mắc ca bền vững luôn đi đôi với hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sinh thái tự nhiên làm phá vỡ cân bằng sinh thái, bảo vệ thiên địch.
Ba là: Xây dựng bộ quy trình chăm sóc mắc ca, tối ưu các biện pháp kỹ thuật giai đoạn kiến thiết cơ bản và kinh doanh, đồng thời dự phòng các giải pháp kỹ thuật chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình chăm sóc, giám sát, quản lý mắc ca.
Bốn là: Tổ chức, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong suốt quá trình vận hành, triển khai dự án. Để dự án mắc ca thành công toàn diện, tối ưu chi phí đầu vào cần đào tạo, xây dựng đội ngũ kỹ thuật chuyên môn cao, qua đó chủ động các giải pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc mắc ca giai đoạn kiến thiết cơ bản và kinh doanh.
1.7 Tiêu chuẩn về phân bón cho mắc ca
Tiêu chuẩn về phân hữu cơ: Phân hữu cơ phải được ủ hoai mục cùng với các chế phẩm vi sinh theo quy trình chuẩn. Sau khi ủ cần đảm bảo phân khô, xốp (độ ẩm 25-30%), giảm 90-95% mùi hôi, phân hữu cơ sau ủ phải đảm bảo hàm lượng hữu cơ ít nhất 30% trở lên. Bón phân hữu cơ cho cây đúng kỹ thuật, theo nhu cầu và từng giai đoạn phát triển của cây.
Phân vô cơ khoáng: Là các dạng phân bổ sung đầy đủ, cân đối các hàm lượng NPK và trung vi lượng thiết yếu. Tỷ lệ NPK bón cho mắc ca thay đổi tùy theo giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây. Phân NPK cần phải có công bố tiêu chuẩn chất lượng, phù hợp với sinh trưởng phát triển của mắc ca qua từng giai đoạn, thời kỳ.
Quá trình bón phân cho cây cần cân đối phân hữu cơ và vô cơ, bón đúng, đủ và phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của cây. Tránh bón thừa phân vô cơ có thể gây ngộ độc cây, đồng thời tạo dư lượng trong đất, làm đất bị thoái hóa theo thời gian.
Phân bón NPK cho mắc ca giai đoạn kiến thiết cơ bản: Bón phân theo các đợt lộc của cây, 1 năm ít nhất 3-5 đợt cành lộc hữu hiệu, phân NPK cân đối theo tỷ lệ: 2N : 1,5P2O5 : 1K2O (NPK kết hợp với nhóm trung vi lượng: Ca, Mg, S, Si, Zn, Mn, B, Mo, Cu, Fe).
Tư vấn kỹ thuật, giải pháp ứng dụng công nghệ nano sinh học trên cây mắc ca
ThS Phạm Công Khải - Hotline: 0976 804 678 * 0835 99 85 99
Email: chuyengianongnghiep24h@gmail.com
Viết bình luận: