1.Kỹ thuật trồng mắc ca

Mật độ trồng thuần: Trồng với khoảng cách 6x6m hoặc 5x6m (280 – 340cây/ha). Những nơi đất có hàm lượng hữu cơ cao, chủ động tưới tiêu nước, đất có độ dốc thấp có thể trồng mật độ 5x5m tương đương 400 cây/ha). Nên bố trí nhiều dòng khác nhau trên cùng một diện tích.

Đào hố, bón phân lót: trước khi trồng 30-45 ngày nên đào hố bón phân lót, hố kích thước 80x80x80cm. Đào hố xong phơi dưới nắng ít nhất 2 tuần sau đó tiến hành bón phân lót mỗi hố như sau: 10-15kg phân hữu cơ hoai mục + 200g vôi bột + 500g lân nung chảy hoặc 200-400g NPK 5-10-3.8S (hỗn hợp trên trộn đều với đất sau đó lấp hố), phần đất trên cùng của hố, chỗ tiếp xúc với bầu cây không trộn phân.

Kỹ thuật trồng:

Trước khi trồng, giống cần được chọn lọc và tiến hành chăm sóc tập trung theo chế độ đặc biệt, khi bộ rễ phát triển ổn định mới đem trồng đại trà. Lưu ý khi vận chuyển cây đi trồng tránh làm vỡ bầu.

Khi trồng đào một lỗ kích thước lớn hơn bầu ở giữa tâm hố sau đó đặt bầu, lấp đất mặt bao phủ toàn bộ bầu và cổ rễ cây. Trong điều kiện chủ động nước tưới nên trồng nổi, phía cổ rễ hơi cao lên so với đất mặt, tránh thối rễ, lở cổ rễ. Dùng cọc cắm cố định cây. Để tránh mối hại có thể sử dụng thuốc basudin rắc xung quanh gốc (hoặc chế phẩm sinh học BioAKH).

2.Kỹ thuật chăm sóc Mắc Ca sau trồng

Sau khi trồng cần tưới nước duy trì độ ẩm thường xuyên cho cây, độ ẩm đất và bầu tương đương nhau vào khoảng 70-80% (không tưới quá ẩm).

Thúc đẩy bộ rễ và đọt non phát triển (thực hiện sau khi trồng 10-15 ngày):

+ Tưới gốc: Dùng 500ml chế phẩm nano AKH super plus pha với 200-300 lít nước tưới ẩm gốc (mỗi cây tưới 800-1000ml dung dịch nano AKH đã pha), tưới 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày.

+ Phun qua lá: Dùng 500ml nano AKH super plus pha 300 lít nước phun đều tán lá, phun 3 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày.

Sau trồng 25-35 ngày cần tiến hành bón phân đa lượng cho cây, giúp cây phát triển thân lá ổn định, cây sinh trưởng đều. Cụ thể như sau:

Ghi chú: Có thể pha loãng phân NPK để tưới gốc cho cây

Ngoài ra có thể sử dụng các loại phân sau: 20-20-15 hoặc 5-10-3.8S

Phương pháp bón: Bón vãi xung quanh gốc, cách gốc 15-20cm, sau đó tưới nước duy trì độ ẩm đất.

Phòng trị bệnh thối rễ, lở cổ rễ, thán thư, đốm lá: Dùng 500ml nano đồng oxyclorua kết hợp 500ml nano bạc đồng super pha 200-300 lít nước phun đều tán lá, định kỳ 7-10 ngày/lần. Kết hợp tưới gốc tiêu diệt nấm phytophthora sp gây thôi rế vàng lá.

3. Cắt tỉa tạo tán cho cây mắc ca

Tán mắc ca tương đối nặng, cành phát triển dày đặc nên việc cắt tỉa là công đoạn cực kỳ quan trọng trong quá trình chăm sóc mắc ca. Mục đích của việc cắt tỉa là nâng cao chỉ số diện tích lá tối ưu (LAI), tạo cho tán thông thoáng, ánh sáng có thể chiếu vào trong tán, cây phát triển khỏe, hạn chế gãy đổ, tước cành. Tán mắc ca thông thoáng sẽ hạn chế sâu bệnh phát sinh phát triển, nâng cao hiệu suất quang hợp của bộ lá, cho năng suất chất lượng quả cao. Việc cắt tỉa tạo tán thông thoáng được thực hiện thường xuyên qua từng năm (quan trọng trong 2-3 năm đầu).

Đối với cây có sức sinh trưởng mạnh, trung bình mỗi năm cây mắc ca thường phát lộc cành từ 3-4 lần. Từ khi ngọn non mọc ra cho đến khi đoạn cành thành thục kéo dài 35 - 40 ngày, mỗi đoạn cành lộc thành thục dài 35-60cm. Khi bấm ngọn hoặc cắt tỉa (hủy ưu thế ngọn) thì các chồi bên được hình thành. Các chồi bên thường phát triển từ 3 chồi nách của 3 nách lá mọc đồng thời cùng lúc (thường xảy ra ở những cây khỏe, cây 1-3 năm tuổi). Quá trình cắt tỉa cành, định hình tán phải tiến hành sớm ngay từ khi cây đạt 8-24 tháng tuổi.

Cách phân cành, tạo tán theo kiểu không đồng phẳng (các cành cấp 1 không xuất phát từ một điểm chung): Trong quá trình phân cành cấp 1-2, không nên để đồng thời 3 cành cấp 1 phát triển ở 3 nách lá trên cùng một vị trí, nên để ở các vị trí so le nhau, dạng xoắn ốc không đồng phẳng, cách nhau khoảng 1-2 nách lá (Phương pháp phân cành cấp 1 dạng xoắn ốc). Muốn triển khai cắt tỉa theo hướng này cần bấm ngọn sớm (vị trí 70-80cm so với cổ rễ). Sau khi thấy 3 nách lá phát triển thành 3 mầm cành cấp 1 ta cần chọn 2 mầm cành to khỏe lợi tán để chúng phát triển bình thường (tạm gọi là 2 cành cấp 1 đó là cành A1-B1). Sau khi cành cấp 1 A1-B1 phát triển khoảng 20-25cm ta chọn 1 trong 2 cành A1 hoặc B1 tiến hành bấm ngọn lần 2(cành còn lại để phát triển bình thường). Tại vị trí cành đã bấm ngọn ta chỉ để 2 mầm cành phát triển (hủy 1 mầm cành). Như vậy sau 2 lần bấm ngọn, mỗi lần hủy 1 mầm cành ta được tổng số 3 cành (2 cấp 1 và 1 cành cấp 2) phát triển không đồng thời tại một điểm.

Cách phân tán cành cấp 1 dạng tập trung 1 điểm: sau khi trồng mắc ca từ 4-6 tháng (tối đa 7-8 tháng) có thể tiến hành phân tán cành cấp 1 bằng cách bấm ngọn lần 1.Vị trí bấm ngọn phân tán cành cấp 1 ta nên chọn cách mặt đất từ 70-80cm (không nên để quá cao, ảnh hưởng đến chăm sóc sau này, hạn chế đổ ngã). Sau khi cành cấp 1 phát triển thành thục (60-70cm) ta tiến hành bấm ngọn lần 2 (thúc đẩy phát triển cành cấp 2). Các cấp cành tiếp theo nên để phát triển về các hướng khác nhau sao cho lợi tán, tránh đan xen lẫn nhau, sao cho tán cây đều và ánh sáng có thể chiếu vào trong tán.

Đối với các cây kinh doanh, mỗi năm thường chỉ phát lộc 3 lần, tập trung vào các tháng 3-4 (Lộc xuân), tháng 5-6 (Lộc hè), tháng 9-10 (Lộc thu). Ngoài ra tùy điều kiện thời tiết, tùy giống và điều kiện chăm sóc, bón phân trên cây vẫn thường xuyên có lộc non phát sinh rải rác.

Hoa thường phân hóa từ những cành già có độ tuổi từ 1,5-3 năm. Hoa thường tập trung chủ yếu ở cuối đoạn cành, tuy nhiên thực tế các cây già tuổi (8-12 năm), hoa có thể phát sinh trực tiếp trên tay cành cấp 1. Với những cây tơ, cây chuẩn bị bước vào kinh doanh thì hoa đồng thời ra ở 2 vị trí: cuối đoạn cành già 1,5-2,5 năm tuổi (cành cấp 2-3) và các cành nhỏ có độ dài 10-20cm, nằm sâu trong tán lá.

Về tổng thể nên chủ động cắt tỉa, tạo tán thông thoáng theo kiểu tán mở, điều chỉnh cây có tán thấp vừa phải, không nên để tán quá cao (khó khăn cho chăm sóc và thu hoạch). Với các cây chưa bắt quả (1-2,5 năm tuổi) nên loại bỏ các cành yếu, cành sâu bệnh, cành tăm, chỉ để lại các cành khỏe, cành lợi tán. Với các cây chuẩn bị bước vào kinh doanh nên tỉa thưa các cành nhỏ, giảm bớt số lượng cành trong tán nhưng không được cắt tỉa hết hoàn toàn các cành này(vì một số sẽ mang hoa vào năm sau).

Trong quá trình cắt tỉa cần lưu ý phát hiện sâu bệnh sớm (sâu đục thân, bệnh xì mủ, bệnh thán thư, bệnh đốm lá, bệnh chổi rồng...). Đặc biệt là bệnh xì gôm chảy mủ thân gốc, cành cấp 1 và bệnh chổi rồng. Qua đó có giải pháp phòng trị bệnh tổng hợp trước khi cây bước vào giai đoạn phân hóa mầm hoa.

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO NANOTECH

THS Phạm Công Khải

Hotline: 0976 804 678 - 0835 99 85 99