Cam canh là một loại cây ăn quả có múi rất khó tính. Ngay từ giai đoạn đầu nhà vườn đã phải rất vất vả mới có thể nâng cao tỷ lệ đậu, chống rụng quả (giữ quả). Khác với bưởi Diễn (cũng là cây khó tính trong các giống bưởi), cam canh nếu bị rụng hàng loạt coi như mất mùa (vì cam canh không có đợt hoa 2 như bưởi). Hơn nữa để cam canh được giá thì chất lượng quả phải đều, quả nhỏ (không quá lớn, quả to quá khó bán được giá). Nhiều nghiên cứu cho thấy cam canh phải giữ được quả đầu vụ (cây đủ sai – phù hợp với sức cây) cộng thêm chăm sóc dinh dưỡng cân đối hợp lý ở các giai đoạn sau (từ tháng 4 – 9 âm lịch) thì quả vừa sai, vừa đảm bảo chất lượng quả (quả có xu hướng nhỏ hơn so với cây thưa quả).

Ở thời kỳ hoa rộ và đậu quả non hầu hết các nhà vườn trồng cam canh đều tìm mọi cách hãm cây bằng phương pháp tiện vỏ (tiện bóc, tiện mịn hoặc tiện hỗn hợp). Tiện vỏ (khoanh vỏ) là giải pháp cắt đứt hoặc hạn chế dinh dưỡng nuôi cây từ dưới gốc lên các bộ phận trên mặt đất qua đó hạn chế khả năng phát triển lộc (bật lộc) ở giai đoạn đậu quả non. Theo nghiên cứu, theo dõi nhiều năm, cá nhân tôi thấy rằng các nhà vườn thường phải tiện nhiều lần (từ 2-3 lần) mới có thể kìm hãm lộc thành công (giữ quả non, chống rụng). Đặc biệt có trường hợp tiện bóc gây ảnh hưởng đến sức sinh trưởng của cây ở giai đoạn sau. Nhìn chung tiện vỏ cây là giải pháp phổ biến các nhà vườn trồng cam canh thường làm với mong muốn chống rụng quả, giữ quả tốt nhất. Các kết quả phân tích số liệu từ giai đoạn 2011 – 2017 cho thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng bật lộc mà bản chất chính là trạng thái cây ưu tiên sinh trưởng sinh dưỡng, kìm hãm sinh trưởng sinh thực ở giai đoạn vừa đậu quả non là do mất cân bằng dinh dưỡng (do bón phân không cân đối đầy đủ từ trước đó). Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này chính là mất cân đối giữa tỷ lệ C/N tại đầu cành lộc hoa (cành mẹ). Sau nhiều mùa vụ so sánh đánh giá chúng tôi thấy rằng đa phần những vườn cam canh có tỷ lệ rụng cao khi đem mẫu phân tích đều cho thấy kết quả tỷ lệ C/N < 1. Những vườn cam canh chăm sóc dinh dưỡng cân đối, kìm hãm lộc tốt, ít thấy rụng quả thì tỷ lệ C/N luôn lớn hơn 1(C/N>1). Biện pháp khoanh vỏ suy cho cùng bản chất cũng là điều chỉnh lại tỷ lệ C/N sao cho cân bằng lệch về phía hàm lượng C tổng số (tại đầu cành lộc hoa), tức C>N. Tuy nhiên cam canh là một loại cây ăn quả có múi khó tính, nếu để tự nhiên không tác động cơ giới (xử lý bộ rễ kết hợp khoanh vỏ) thì rất khó giữ quả. Cũng chính vì thường xuyên phải tác động cơ giới lên bộ rễ nên cây kém bền vững, sức sinh trưởng suy giảm nhanh qua từng năm, cây dễ nhiễm bệnh do đó thời kỳ kinh doanh của cam canh hầu hết chỉ khoảng 5-12 năm (đa phần dưới 7-8 năm nếu chăm sóc không tốt).

 

 

Như vậy giải pháp đặt ra ở đây là cần lựa chọn cách hãm lộc hiệu quả mà ít ảnh hưởng, ít làm tổn thương cơ giới đến cây trong thời kỳ đậu quả non (hạn chế khoanh vỏ). Hiện nay chúng tôi đang - đã nghiên cứu và dần hoàn thiện một vài dòng chế phẩm mang tính chất điều hòa sinh trưởng của cây, trực tiếp tác động nhanh nhất đến cân bằng tỷ lệ C/N mà mục tiêu cuối cùng là cân bằng lệch về C, luôn làm cho C>N tại thời điểm hoa rộ - rụng cánh - đậu quả non qua đó giúp cây bền hơn, khỏe hơn, kéo dài thời kỳ kinh doanh (hạn chế tối đa khoanh vỏ cây, giảm công chăm sóc, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế).

Thời điểm vàng để điều tiết tỷ lệ C/N là lúc lộc hoa vào bánh tẻ. Cũng như biện pháp khoanh vỏ.nếu tác động quá muộn sẽ không đem lại hiệu quả chống rụng cao. Với điều kiện thời tiết biến đổi theo hướng El Nino chúng tôi có đề xuất phương án vừa tiện vỏ cây (với số lần giảm, ít gây hại sức sinh trưởng của cây) đồng thời kết hợp với phun chế phẩm Shellac suger điều tiết, kìm hãm lộc (điều chỉnh cân bằng tỷ lệ C/N).

 

Cam canh bị chặt bỏ do nhiễm bệnh thối rễ vàng lá (nấm Phytophthora sp.) 

 

Trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ đề cập tới các vấn đề cơ bản trong quá trình chăm sóc cam canh như:

+ Xử lý bộ rễ, đưa cây vào trạng thái ngủ nghỉ sau thu hoạch, tích lũy dinh dưỡng ủ mầm hoa.

+ Kỹ thuật bón phân cho cây sau thu hoạch.

+ Thời điểm khoanh vỏ và kỹ thuật khoanh vỏ giữ quả, chống rụng quả

+ Giải pháp hạn chế nứt quả trên cam canh.

+ Bón phân cho cam canh thời kỳ nuôi dưỡng quả (từ tháng 5-10 âm lịch)

 

Cam canh thường bị nứt nổ quả từ tháng 7-9 âm lịch hàng năm, những vườn chăm sóc kém, không cân đối dinh dưỡng hiện tượng nứt diễn ra sớm hơn, tỷ lệ nứt cao hơn, khó kiểm soát đặc biệt sau mỗi lần bón phân khoáng gặp mưa

 

Phần 1: Xử lý bộ rễ, tiện mịn đưa cây vào trạng thái ngủ nghỉ sau thu hoạch

Đối với cam tơ: Cần chăm sóc sao cho cây sạch bệnh, bộ lá phát triển cân đối. Vào khoảng trung tuần tháng 10 đến tháng 11 âm lịch tiến hành làm rễ đưa cây vào trạng thái ngủ nghỉ, ủ mầm hoa. Lưu ý cần quan sát lộc cành trước khi xử lý bộ rễ. Khi xử lý bộ rễ, lộc cành cần phát triển ở giai đoạn bánh tẻ trở đi, nếu lộc đang còn non đợi đến khi lộc phát triển hoàn thiện, qua bánh tẻ thì bắt đầu làm rễ. Làm rễ là biện pháp bắt buộc đối với cam canh. Khi làm rễ đối với cam tơ (1-2 vụ đầu) nên cuốc xung quanh gốc tạo thành bầu cây (to nhỏ tùy cây), độ sâu 15-30cm, để đất khô, ép cây vào trạng thái ngủ nghỉ. Trường hợp cây khỏe, thời tiết ấm, nếu có nguy cơ bật lộc nên tiến hành khoanh mịn 1 vòng các cành cấp 1, để lại 20-25% số cành nhỏ không khoanh. Sau đó tiến hành bón phân.

Đối với cam đường thời kỳ kinh doanh: Đối với cam canh đang trong thời kỳ kinh doanh (đang mang quả), nhà vườn nên chủ động xác định thời điểm thu hoạch, không nên thu hoạch quá muộn. Việc thu hoạch muộn sẽ làm cho cây không có đủ thời gian ngủ nghỉ, ảnh hưởng đến khả năng phân hóa mầm hoa của cây. Do đó thời điểm thu hoạch tối ưu của cam canh vào khoảng cuối tháng 11 đến trước ngày 10/12 âm lịch là tốt nhất. Thời gian ngủ nghỉ của cây cam canh ít nhất phải đạt 20-30 ngày (lâu hơn càng tốt). Sau khi kết thúc ngủ nghỉ cây bắt đầu phân hóa mầm hoa.

Khi thu hoạch xong, cần nhanh chóng cắt tỉa, làm sạch cỏ dại và tiến hành làm rễ, xử lý cơ giới bộ rễ. Hiện có nhiều cách xử lý bộ rễ. Một số vùng trồng cam như Hưng Yên, Bắc Giang xử lý rễ đau theo kiểu định hình bầu xung quanh tán. Tại Hòa Bình do địa hình hơi dốc nên xử lý cuốc xới rộng hơn, không làm bầu, chỉ làm đứt một phần bộ rễ. Tuy nhiên cho dù xử lý cách nào cũng phải phù hợp với từng vườn và sức sinh trưởng của cây và kết quả cuối cùng là phải ép được cây vào ngủ nghỉ, ức chế lộc đông. Cần lưu ý rằng với những năm mưa kéo dài, rét muộn, cây khỏe, tiềm ẩn nguy cơ bật lộc đông (mặc dù đã làm rễ), nhà vườn nên chủ động khoanh mịn (tiện mịn) một lần các cành cấp 1 để hãm lộc đông (khi khoanh nên để lại 15-25% số cành phía dưới, không khoanh tiện hết 100% số cành, dễ gây sốc cây). Tuy nhiên nếu thời tiết rét sớm, rét sâu, cây vào ngủ nghị tự nhiên thì không cần sử dụng biện pháp khoanh vỏ. Vấn đề hãm lộc đông, đưa cây vào ngủ nghỉ cần phải được theo dõi và kiểm soát chủ động, dựa vào sức cây và điều kiện thời tiết để có giải pháp phù hợp với từng vườn, từng khu vực địa lý.

Sau khi xử lý rễ xong cần phun ngay các chế phẩm diệt nấm và khuẩn, chống xâm nhiễm vào rễ. Trên thị trường hiện có rất nhiều thuốc trừ nấm khuẩn hóa học. Tuy nhiên nên hạn chế sử dụng bởi các nhóm thuốc hóa học này thường gây độc hại cây, ô nhiễm môi trường đất, chai đất nếu sử dụng thường xuyên lâu dài. Sau khi làm rễ xong bà con nên dùng 50ml nano bạc đồng plus kết hợp 50ml nano đồng oxyclorua pha với bình 20-25 lít nước phun trực tiếp vào rễ. Các hạt nano trong chế phẩm có kích thước siêu nhỏ sẽ bám lên rễ và tiêu diệt hầu hết nấm khuẩn gây bệnh. Ưu điểm của chế phẩm nano bạc đồng, nano đồng oxyclorua là không độc hại, không tồn dư, không làm chai đất, thân thiện với môi trường, khi sử dụng không cần bảo hộ lao động. Sau khi kết thúc thời gian ngủ nghỉ tiến hành bón phân cho cây.

Phần 2: Kỹ thuật bón phân cho cam canh sau thu hoạch (sau khi xử lý rễ)

Lượng pân bón tính cho 1 gốc như sau:

+ Đậu tương nghiền nhỏ, không cần ngâm: 1-3kg/cây (tùy tuổi cây)

+ Phân lân đơn P2O5: 1,5 – 3,5kg/cây (tùy tuổi cây, đường kính tán)

+ Tro bếp mỗi gốc cây nửa bao (10-20kg/gốc, tùy tuổi cây, đường kính tán).

+ Phân hữu cơ hoai mục 15-35kg/cây. Lượng phân hữu cơ nhiều hay ít tùy thuộc vào chất đất, tuổi cây và đường kính tán. Lưu ý mặc dù phân hữu cơ là rất tôt tuy nhiên cũng không nên lạm dụng bón quá nhiều phân hữu cơ. Phân hữu cơ hoai mục có vai trò làm tơi xốp đất, đa dạng hệ vi sinh trong đất, đất giàu mùn, thoáng khí. Tuy nhiên nếu phân hữu cơ bón quá nhiều khi gặp mưa thường xảy ra tình trạng bộ rễ hô hấp yếm khi do thiếu oxy. Trong phân hữu cơ thường có hàm lượng vi sinh vật hảo khí, trong quá sống chúng sẽ lấy đi một phần oxy trong đất, làm giảm đột ngột lượng oxy cần thiết cho cây (dưới <8%), trong khi đó để bộ rễ sinh trưởng thuận lợi hàm lượng oxy trong đất phải đạt khoảng 10-12%.

Lưu ý chung: Phân hữu cơ hoai mục, lân đơn, đậu tương nghiền, tro bếp cần được trộn đều với đất trước khi lấp vào gốc. Nếu đất chua nên bón vôi trước đó hoặc bón cách xa thời điểm bón phân lân.

Trong điều kiện thời tiết thuận lợi cam đường canh sẽ phân hóa mầm hoa vào khoảng cuối tháng 12 đến đầu tháng 1 âm lịch năm sau (nếu rét kéo dài, rét đậm có thể muộn hơn 15-25 ngày). Từ thời điểm phân hóa mầm hoa (nhú lộc hoa) đến khi hoa bắt đầu nở kéo dài 25-30 ngày (tùy điều kiện thời tiết). Từ khi chớm nở hoa đến nở rộ hoàn toàn, hình thành quả non kéo dài 15-16 ngày.

Phần 3: Chăm sóc cam canh thời kỳ ra hoa đậu quả non

Yêu cầu kỹ thuật của thời kỳ ra hoa đậu quả non là phải giữ quả, chống rụng quả sinh lý, hạn chế tối đa tác hại của mưa acid. Đặc điểm sinh trưởng của cam canh thời kỳ quả non là nếu lộc phát triển mạnh thì cây sẽ tập trung dinh dưỡng nuôi lộc đồng thời đẩy quả. Do vậy mục tiêu của thời kỳ hoa rộ đến đậu quả non là phải hãm được lộc, giữ quả non. Các công việc cần làm thời điểm này là:

+ Duy trì ẩm độ thích hợp (không thừa ẩm, không thiếu ẩm, ẩm độ phù hợp thời kỳ hoa rộ - quả non vào khoảng 75-85 (tối đa 90%), không nên để độ ẩm đất bão hòa trong thời gian dài.

+ Hạn chế phun thuốc BVTV hóa học độc hại nếu không cần thiết. Trường hợp có nhện gây hại nên chọn thuốc đặc trị an toàn, không gây ngộ độc cây (nên chủ động phòng trừ từ trước đó).

+ Nhanh chóng xác định thời điểm khoanh vỏ hãm lộc, giữ quả non: Tùy điều kiện thời tiết, tùy sức sinh trưởng của cây để xác định thời điểm khoanh vỏ. Theo kinh nghiệm của chúng tôi khi hoa nở rộ, bắt đầu rụng cánh, vừa hình thành quả non (quả xấp xỉ bằng hạt đậu xanh hoặc to hơn một chút), đồng thời lộc hoa phát triển đến giai đoạn bánh tẻ là đủ điều kiện khoanh vỏ. Nếu khoanh vỏ hãm lộc quá muộn sẽ không giữ được quả non, quả non sẽ rụng hàng loạt. Tuy nhiên cũng không nên khoanh sớm, khi mà lộc hoa vẫn còn non. Điều kiện cần và đủ để tiến hành khoanh vỏ là lộc hoa phát triển đến bánh tẻ và cánh hoa vừa rụng, bắt đầu hình thành quả non.

Phần 4: Kỹ thuật khoanh vỏ (tiện vỏ cây)

Khoanh vỏ (tiện vỏ) là giải pháp cắt đứt hoặc hạn chế dinh dưỡng nuôi cây từ gốc lên các bộ phận trên mặt đất. Với cây ăn quả thân gỗ nói chung, có 2 con đường vận chuyển dinh dưỡng đó là nhựa nguyên và nhựa luyện. Các chất dinh dưỡng được bộ rễ hấp thu thông qua hoạt động hô hấp tạo ra năng lượng ATP giúp đẩy dinh dưỡng từ dưới đất lên trên thông qua mạch libe (vỏ cây - nhựa nguyên). Ngược lại các chất đồng hóa từ quá trình quang hợp được vận chuyển từ trên xuống nuôi dưỡng các bộ phận dưới mặt đất (hệ rễ) thông qua mạch dẫn xylem. Khi chúng ta tác động khoanh vỏ cây sát tới gỗ có nghĩa là làm gián đoạn và hạn chế khả năng vận chuyển nước và dinh dưỡng từ dưới bộ rễ lên các bộ phận trên mặt đất, qua đó kìm hãm sinh trưởng sinh dưỡng của cây. Với cam canh có 2 biện pháp khoanh vỏ (tiện cây):

Biện pháp tiện mịn: Tiện mịn là biện pháp dùng dao chuyên dùng khoanh một vòng tròn khép kín thân cành hoặc gốc cây(chỉ 1 đường duy nhất, không bóc vỏ). Thông thường vết tiện mịn thường phục hồi dần sau 3-7 ngày (tùy điều kiện thời tiết). Khi lớp vỏ (mạch libe) phục hồi cây sinh trưởng bình thường, nếu sức cây quá mạnh, thời tiết ấm kéo dài vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ bật lộc. Đây chính là lý do nhà vườn cần phải tiện lần 2 (ở giai đoạn đậu quả non). Biện pháp tiện mịn còn có thể được sử dụng ở thời kỳ sau làm rễ, ép cây vào ngủ nghỉ (trong trường hợp mưa ẩm và thời tiết ấm kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ bật lộc đông).

Biện pháp tiện bóc (còn gọi là tiện đau): Tiện bóc là biện pháp sử dụng 2 đường khoanh vỏ liên tiếp song song với nhau tại một vị trí thân cành xác định, hai đường khoanh vỏ cách nhau khoảng 2 - 3mm. Sau đó bóc lớp vỏ cây vừa tiện. Sau khi kết thúc tiện nếu cẩn thận hơn nhà vườn dùng băng keo đen bao phủ toàn bộ diện tích vết tiện.

Đối với cam canh ở thời kỳ đậu quả non, việc khoanh vỏ có thể tiến hành từ 2-3 lần, tùy sức sinh trưởng của cây, tùy điều kiện thời tiết. Số lần tiện vỏ cây phụ thuộc vào kỹ thuật chăm sóc, điều tiết dinh dưỡng và điều kiện thời tiết. Nếu dinh dưỡng cân đối, điều kiện thời tiết thuận lợi số lần tiện vỏ cây sẽ ít hơn, thậm chí có những cây chỉ cần dùng chế phẩm Shellac suger điều tiết tỷ lệ C/N, hãm lộc chủ động cây vẫn có thể đậu quả và giữ quả tốt.

Tùy điều kiện từng vùng, chất đất, cách chăm sóc, sức sinh trưởng của cây, tỷ lệ đậu quả mà nhà vườn có thể chọn phương pháp tiện mịn hay tiện bóc, hoặc tiện hỗn hợp. Nhà vườn cần lưu ý, diễn tiến giai đoạn ra hoa rộ đến đậu quả non ở cam canh diễn ra rất nhanh đặc biệt trong điều kiện thời tiết nhiều năm gần đây (El Nino). Do đó ngay sau khi kết thúc hoa rộ hoặc 80% số hoa đã nở và bắt đầu hình thành quả non cần phải xác định thời điểm khoanh vỏ, nếu xử lý chậm rất khó giữ quả, quả non đẩy hàng loạt. Việc xác định thời điểm và lựa chọn phương pháp tiện vỏ cây trên cam canh rất quan trọng. Tiện vỏ cây nhằm mục đích ức chế quá trình sinh trưởng lộc, nhưng cần đảm bảo cây không quá sốc (tress nặng), nếu tiện quá đau, không phù hợp quả non vẫn rụng hoặc rụng muộn ở giai đoạn sau, chất lượng quả rất thấp.

Qua nghiên cứu, theo dõi đánh giá chúng tôi đưa ra giải pháp tiện vỏ cây mang tính tham khảo như sau:

Xác định thời điểm tiện: sau khi hoa rộ, rụng cánh, vừa mới hình thành quả non và lộc hoa bắt buộc phải tới bánh tẻ hoặc qua bánh tẻ một chút (tùy điều kiện  từng vườn)

Phương pháp tiện vỏ cây cho cam canh thời kỳ cây ra hoa đậu quả non

Tiện lần 1: Nên tiến hành tiện mịn, tiện một đường duy nhất. Khi tiện nên chọn tiện các cành phía trên, chúng tôi không khuyến cáo tiện gốc, nên để lại 1 vài cành nhỏ phía dưới gốc. Thông thường vết tiện này chỉ sau 3-5 ngày bắt đầu phục hồi và liền lại. Tiện mịn lần một cần “bắt” đúng thời điểm. Tiện mịn giai đoạn này vừa đảm bảo kìm hãm sinh trưởng lộc, vừa hạn chế cây sốc dinh dưỡng, đồng thời lộc hoa không bị cắt đứt dinh dưỡng đột ngột.

Tiện lần 2: Sau khi tiện lần 1 từ 7-10 ngày nhà vườn nên chủ động tiện bóc lần 2 (nếu sức cây mạnh, tiềm ẩn nguy cơ bật lộc). Vết tiện bóc (lần 2) cách chỗ tiện lần 1 vài cm.

Tiện mịn lần 3: Nếu thấy cần thiết nên tiến hành tiện mịn lần 3 cách lần tiện 2 khoảng 15-20 ngày.

Trên đây là kỹ thuật giữ quả non bằng phương pháp khoanh vỏ hãm lộc. Kỹ thuật trên mang tính chất định hướng, tuy nhiên cần dựa vào điều kiện sinh thái từng vùng, sức sinh trưởng của cây, điều kiện thời tiết để đưa ra phương pháp khoanh, số lần khoanh sao cho phù hợp (có thể áp dụng biện pháp tiện mịn hoặc xen kẽ tiện mịn với tiện bóc, vấn đề này tùy thuộc vào điều kiện thực tế từng vườn).

Sau khi rụng cánh hoa từ 15-25 ngày, vừa kết thúc tiện vỏ cây, quả tương đối ổn định nhà vườn nên phun qua lá chế phẩm nano canxi cacbonat, nano canxi super, nano bạc đồng plus, shellac suger (công dụng: chống mưa acid, chống teo cuống, tiêu diệt nấm bệnh, hạn chế rụng quả sinh lý). Lưu ý phòng trừ nhện đỏ chủ động.

Cách phun như sau: Dùng 40-50ml nano bạc đồng plus kết hợp với 40-50ml nano canxi super (thành phần đã có Bo và nano canxi cacbonate) pha với 20 lít nước phun dạng sương mù toàn bộ thân lá, đều 2 mặt lá. Phun 2 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày (duy trì độ ẩm đất vừa phải, thiếu nước cây hình thành tầng rời gây rụng quả non).

Ngoài ra nên dùng chế phẩm Shellac suger điều tiết tỷ lệ C/N, hãm lộc trên tán: Dùng 30ml chế phẩm pha với 20 lít nước phun sương mù qua 2 mặt lá. Phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày.

 

 

Phần 5: Kỹ thuật bón phân cho cam canh thời kỳ phát triển quả, nuôi dưỡng quả

+ Khi quả phát triển ổn định, vào khoảng tháng 4-5: duy trì độ ẩm đất, không để quá khô hay quá ẩm, chủ động quản lý sâu bệnh. Nhà vườn nên dùng 40-50ml chế phẩm nano canxi super kết hợp 20-30ml Shellac suger và 50ml nano bạc đồng pha với 20-30 lít nước phun đều qua lá. Phun 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày.

+ Tháng 5: Bón thúc phân bón gốc, dùng 0,5-1kg cám cò công nghiệp dạng hỗn hợp trộn lẫn với tro bếp (nửa bao/gốc) bón xung quanh gốc. Đến tháng 8 bón lần 2 với lượng dùng như trên.

+ Từ trung tuần tháng 5 đến tháng 10: Dùng phân NPK chuyên dùng cho cây ăn quả bón vãi xung quanh gốc, định kỳ mỗi tháng bón một lần, mỗi gốc bón 150-300g/gốc (bón kết hợp duy trì tưới nước).

+ Bổ sung dưỡng chất qua lá, dưỡng quả: Để quả bóng đẹp, phát triển quả cân đối từ cuối tháng 5 đến tháng 9 âm lịch dùng 30-40ml chế phẩm nano AKH super plus pha với 20 lít nước phun đều 2 mặt lá, định kỳ 15-20 ngày phun một lần(ít nhất mỗi tháng phun một lần).

 

 

Chế phẩm nano AKH super plus có chứa đầy đủ và cân đối các thành phần dinh dưỡng đa trung vi lượng dạng nano dễ hấp thu, không có tác dụng phụ với cây, phun quá liều không gây độc hại.

Chống nứt nổ quả, giảm tác hại mưa acid giai đoạn từ tháng 6-9: Dùng 50ml chế phẩm nano canxi + 40ml nano canxi cacbonate kết hợp 30ml nano AKH super plus phaơiới 20-25 lít nước phun đều tán lá, định kỳ 20-30 ngày phun một lần.

 

+ Bón phân kali: Để quả ngọt hơn, mã đẹp nên bón kali dưới gốc. Bón kali mỗi gốc 100g/gốc, bón 2 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 1 tháng, bón vào tháng 9 đến trước 15/11 âm lịch. Bón vãi xung quanh gốc hoặc pha loãng tưới gốc. Nên kết hợp phun kali qua lá 1-2 lần, 7-10 ngày/lần.

Lưu ý: Tất cả các dạng phân bón lá hay bón gốc dừng bón sau 10-20/10 âm lịch (trừ phân Kali).

Phòng trị bệnh tổng hợp: Dùng 50ml nano đồng oxyclorua kết hợp 50ml nano bạc đồng plus pha với 20 lít nước phun đều tán lá, định kỳ 15 ngày/lần.

 

 

Ngoài ra cần kiểm soát độ pH đất, không nên để pH quá cao hoặc quá thấp, ảnh hưởng đến sinh trưởng của bộ rễ. Nếu pH đất quá thấp (đất chua) làm cho hàm lượng kim loại nặng gia tăng, bộ rễ hút kém phát triển (rễ tơ). Nếu pH quá cao gây ra tình trạng thiếu lân, cây khó hấp thu lân, bộ rễ còi cọc, chậm phát triển, rễ yếu, tỷ lệ nhiễm bệnh vàng lá thối rễ gia tăng, quả khô bộp, nhẹ, ít nước, độ ngọt thấp. Chính vì vậy từ tháng 4-5 âm lịch trở đi nhà vườn nên dùng nước vôi trong pha loãng với nồng độ 0,5-1% tưới gốc, định kỳ mỗi tháng một lần. Kết hợp sử dụng 500ml chế phẩm nano canxi cacbonat kết hợp 400-500ml nano Kẽm nồng độ 1200ppm pha với 300-400 lít nước phun ướt đẫm tán lá, quả (sao cho sau khi phun đậm nước nhỏ giọt xuống gốc càng tốt). Định kỳ 20-30 ngày phun một lần, hoặc phun ngay sau khi kết thúc mưa (hạn chế vàng sớm vỏ quả vào tháng 9-10 âm lịch, chống nứt quả rất tốt, nâng cao chất lượng quả, cho mã quả đẹp).

Lưu ý: Nhà vườn nên tưới các chế phẩm vi sinh qua gốc, tưới định kỳ 30-45 ngày/lần (dùng EM tự nhân sinh khối hoặc trichoderma).

TRUNGTÂM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO NANOTECH

Tư vấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp:

ThS Phạm Công Khải - Hotline: 0976 804 678 * 0835 99 85 99

Email: nanobacsuper@gmail.com