Cần đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật sau trước khi triển khai các biện pháp chăm sóc mắc ca thời kỳ kinh doanh bắt quả (năm thứ 4):
Thứ nhất: Cắt tỉa tạo tán thông thoáng theo hướng tán mở, tạo thế tán cân đối
Thời kỳ kiến thiết cơ bản cần thực hiện cắt tỉa tạo tán thông thoáng, cắt tỉa theo hướng tán mở, hạ thấp chiều cao cây, thúc đẩy tán mở rộng theo chiều ngang, điều tiết khoảng cách giữa các tầng cành không quá cao. Hàng năm thực hiện cắt tỉa và hạn chế cành vượt, cành đan xen nhau, nâng cao chỉ số diện tích lá tối ưu, điều tiết các cành mang quả ở các vị trí phù hợp (việc cắt tỉa tạo tán, sửa tán thực hiện định kỳ thường xuyên). Đặc biệt chú ý kỹ thuật cắt tỉa, điều tiết tán từ năm 3 sang năm thứ 4. Ngoài ra trong 3 năm nuôi cây kiến thiết, cần thực hiện biện pháp tỉa cành đồng cấp, tức ở mỗi nách lá chỉ nên để tối đa 3 tay cành phát triển về các hướng khác nhau sao cho lợi tán và định hướng tập trung dinh dưỡng nuôi chúng thành thục, già hóa, không nên để quá nhiều mầm cành phát sinh tại một vị trí.


Việc cắt tỉa cành, tạo tán có ảnh hưởng đến tỷ lệ ra hoa, đậu quả, chất lượng quả của mắc ca ở năm thứ 4 trở đi. Thân chính càng cao thì khoảng cách giữa các cành mang quả, cành sinh dưỡng so với bộ rễ dưới đất càng xa, điều này khiến cho cây chậm ra quả đồng thời ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển dinh dưỡng nuôi các bộ phận trên mặt đất. Đặc biệt thấy rõ nhất ở thời kỳ ra hoa đậu quả non, dinh dưỡng rất cần thiết cho cây giai đoạn này. Nếu dinh dưỡng khoáng không được vận chuyển kịp thời qua hệ thống mạch dẫn nuôi hoa quả non sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu quả, dưỡng quả (dinh dưỡng nuôi quả non bị hạn chế, gián đoạn sẽ dẫn đến tình trạng rụng quả sinh lý, bỏ quả).
Thứ hai: Chế độ phân bón cân đối hợp lý (hữu cơ và vô cơ), bón theo nhu cầu dinh dưỡng của cây ở từng thời kỳ. Đối với phân khoáng, cần sử dụng đúng chủng loại phân 16-16-16 + TE (S, Ca, Mg, Si, Zn, Mo, Mn). Bón đúng kỹ thuật và phương pháp bón, hạn chế ngộ độc phân bón, chăm sóc bộ rễ phát triển khỏe mạnh, phát triển đồng đều về các hướng (không để nghẹt rễ, thối rễ, vàng lá). 
Cắt tỉa và bón phân là 2 biện pháp luôn đi đôi với nhau, hỗ trợ cho nhau với mục tiêu tạo sức sinh trưởng khỏe mạnh cho cây, thế tán cây cân đối, tạo cho tán thông thoáng, qua đó hạn chế sâu bệnh hại. Sinh trưởng của lộc cành có liên quan mật thiết với phân hóa mầm hoa, sự phát triển của quả. Nếu cành lá quá yếu, khả năng quang hợp đồng hóa của cây kém do đó quá trình phân hóa mầm hoa, nuôi dưỡng quả bị ảnh hưởng. Ngược lại cành lá sinh trưởng quá mạnh, thời gian sinh trưởng cành sinh dưỡng kéo dài thì cây rất khó chuyển sang giai đoạn sinh trưởng sinh thực (phân hóa mầm hoa). Do đó quá trình chăm sóc, bón phân, cắt tỉa tạo tán cần phối hợp với nhau một cách hợp lý, cân đối.
Lưu ý: Bón phân đúng kỹ thuật, đúng lượng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây, trước khi bón nên xới đất phá váng bề mặt, tạo rãnh đủ sâu-rộng theo vùng sinh trưởng của rễ cây, hạn chế tình trạng ngộ độc phân bón.
Thứ ba: Quản lý sâu bệnh hại tổng hợp
Mỗi thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây cần có các giải pháp phòng trị sâu bệnh phù hợp và hiệu quả, giúp cây phát triển cân đối khỏe mạnh trước khi bước vào giai đoạn kinh doanh bắt quả.


Thứ tư(quan trọng): ở năm thứ 3, chủ động giải pháp bón phân kết hợp cắt tỉa hợp lý. Bón thúc ít nhất được 3 đợt lộc cành bằng loại phân chuyên dùng đặc biệt ở đợt lộc cành cuối cùng cần cân đối tỷ lệ NPK kết hợp khoáng trung vi lượng, thúc đẩy cành già hóa nhanh (tỷ lệ C/N > 1). Nên có kế hoạch bón phân tập trung theo các đợt sinh trưởng của cành sinh dưỡng phù hợp với điều kiện thời tiết từng vùng. Vào đợt bón phân cuối cùng của năm 3, không bón quá sớm hoặc không quá muộn, đưa cành mẹ dự kiến mang quả vào trạng thái ngủ nghỉ từ 25-45 ngày, chuẩn bị cho giai đoạn phân hóa mầm hoa.

Tư vấn kỹ thuật, giải pháp ứng dụng công nghệ nano sinh học trên cây mắc ca

ThS Phạm Công Khải - Hotline: 0976 804 678 * 0835 99 85 99

Email: chuyengianongnghiep24h@gmail.com