Phần 1: Tiêu chuẩn chọn cây giống

1.1 Tiêu chuẩn kỹ thuật về bầu cây

+ Bầu chất liệu bằng túi Polyetylen, chắc chắn, nguyên vẹn, có kích thước đường kính túi bầu từ 12-13cm, chiều cao túi bầu từ 25-30 cm.

+ Thành phần giá thể làm bầu: bao gồm đất và phân hữu cơ ủ hoai mục theo tỷ lệ 7/3, kết hợp tro bếp, trấu hun, lân P2O5 theo tỷ lệ phù hợp.

+ Bầu cây chắc chắn, không bị biến dạng, không bị vỡ bầu, không nong bầu.

+ Không bị xói bầu, hở cổ rễ, đất mặt phủ kín cổ bầu.

1.2 Tiêu chuẩn kỹ thuật về gốc ghép

+ Gốc ghép phải có đường kính từ 1-1,1cm trở lên (đo vị trí tiếp giáp cổ rễ), chu vi gốc ghép 3,3 - 3,5cm (đo vanh dưới, phần tiếp giáp cổ rễ).

+ Trong quá trình chăm sóc gốc ghép phải thực hiện đảo bầu, chuyển bầu trước khi ghép (có hồ sơ lưu quá trình chăm sóc gốc ghép).

+ Tuổi của gốc ghép: đạt ít nhất từ 11-12 tháng (trước khi thực hiện ghép).

+ Chiều cao gốc ghép tính từ cổ rễ lên vị trí ghép đạt 40-45cm (không quá 50cm).

+ Cây giống có rễ đứng, rễ trục phát triển đâm xuyên bầu ở tỷ lệ thấp nhất.

1.3 Tiêu chuẩn kỹ thuật về cành ghép (cành mang mắt ghép)

+ Cành ghép phải được lấy từ các cây mắc ca đầu dòng, đã cho ra quả ít nhất 2-3 năm trở lên.

+ Cành ghép phải được chọn lọc đạt tiêu chuẩn (có từ 1-2 mắt khỏe) và phù hợp về kích thước với gốc ghép (có sự tương thích mạch libe và mạch gỗ giữa cành ghép và mắt ghép).

+ Cây được lấy cành ghép phải có giấy chứng nhận từ cơ quan chức năng có thẩm quyền và có trong danh mục giống được bộ nông nghiệp cấp phép/công nhận.

+ Đường kính cành ghép trước khi xuất giống: Đường kính của cành sinh dưỡng phát triển từ mắt ghép đạt ít nhất 0,5-0,6cm trở lên (đo phần gốc cành phát triển từ vị trí mắt ghép).

1.4 Tiêu chuẩn kỹ thuật về cây giống mắc ca sau ghép

+ Cây giống mắc ca được phép từ mắt ghép có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận hoặc xác nhận của nơi cung cấp nguồn cành ghép. Cây gốc ghép có hồ sơ lưu, quy trình chăm sóc cụ thể.

+ Tại vị trí ghép phải liền sẹo, tiếp hợp tốt, không biến dạng, phát triển ổn định.

+ Cành ghép phát triển dài ít nhất 50-70cm, đồng thời phải có 5-7 tầng lá phát triển già hóa ổn định (tương đương với chiều dài đoạn cành ghép đã hóa gỗ).

+ Cành ghép phải đạt 4,5-5,5 tháng tuổi trở lên (tương đương tuổi tổng thể của cây giống sau ghép đạt 16-18 tháng trở lên).

+ Cây sau ghép phát triển cân đối, khỏe mạnh, thân gốc ghép lan đều, không bị dị dạng cong queo, bộ lá xanh dày tự nhiên, cây sinh trưởng phát triển tốt.

+ Cây có bộ rễ khỏe mạnh, không bị bó rễ và thối rễ, rễ phát triển đều quanh bầu đất, tỷ lệ rễ tơ cao, không có rễ to ăn đâm xuyên xuống đáy bầu (xuyên bầu).

+ Cây giống không có triệu chứng sâu bệnh hại, không bị vàng lá, bộ lá xanh dày tự nhiên. Thân không bị hiện tượng khô nứt, sẹo lồi (thân phải bóng khỏe).

+ Giống cần phải được luyện cây trước khi xuất vườn ươm (luyện ngoài điều kiện tự nhiên).

+ Không nên trồng cây giống đã được ghép lần 2.

+ Không trồng cây giống có cành ghép đã phát triển phân cành cấp 1 (cành cấp 1 phát triển sớm ngay từ giai đoạn cây giống, do bấm hãm đọt sớm).

+ Cây giống phải được gắn nhãn bằng giấy dai, chữ in rõ ràng và không phải trong vòng 06 tháng, gắn (treo) trên cây giống gồm các nội dung tên công ty sản xuất, địa chỉ vườn ươm,  tên dòng/giống.

1.5 Nguồn gốc xuất xứ hom ghép, cành ghép

Các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hom ghép, giấy chứng nhận cây đầu dòng, chứng nhận cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn giống (các giấy tờ còn hiệu lực).

Ghi chú: Cây giống đạt tiêu chuẩn có thể triển khai trồng ngay (đại trà)

Các tác động tiêu cực khi cây giống không đạt tiêu chuẩn:

+ Gốc ghép chưa đạt tiêu chuẩn.

+ Phân bố và phát triển bộ rễ không cân đối giữa tỷ lệ rễ ngang(rễ tơ, rễ hút) và rễ trục, rễ đứng.

+ Sự mất cân đối giữa gốc ghép và cành ghép.

+ Các vấn đề liên quan đến nguồn gốc mắt ghép.

Thứ nhấtGốc ghép nhỏ, ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển chung của cây, thế tán cây, đồng thời tốn công và chi phí chăm sóc hơn so vớ cây có Size gốc ghép to hơn.

Thứ hai: Cành ghép nhỏ, vóng, sẽ ảnh hưởng đến khả năng phân cành cấp 1 của cây ở giai đoạn sau trồng.

Thứ ba: Sự phát triển mạnh mẽ của rễ đứng, rễ trục khiến cho chúng đâm sâu phía đáy bầu và thoát bầu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng chung của bộ rễ(bộ rễ phát triển mất cân đối), gây nên hiện tượng bỏ rễ mặt, làm giảm và tiêu hao dinh dưỡng nuôi rễ ngang (rễ mặt, rễ hút).

 Ngoài ra các rễ này có thiết diện to, cứng do đó khi trồng phải cắt bỏ hoàn toàn, từ đó tạo ra vết thương hở cơ giới, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phytophtora sp. xâm nhiễm gây thối rễ, vàng lá (gây khó khăn trong quá trình chăm sóc sau trồng). Rễ tơ, rễ hút phát triển thoát bầu ít gây ảnh hưởng tiêu cực hơn so với rễ trục, rễ đứng.

Thứ tư: Ảnh hưởng của gốc ghép và cành ghép không cân đối về kích thước đến sinh trưởng phát triển của cây mắc ca

Khi tiến hành ghép, cần xác định độ tương thích về kích thước giữa cành ghép và gốc ghép. Đặc biệt với phương pháp ghép nêm thường thực hiện đối với gốc ghép có kích thước to hơn cành ghép hoặc ít nhất ngang bằng nhau thì sau này cây sinh trưởng phát triển thuận lợi, thế tán cây cân đối. Khi thực hiện phương pháp ghép cành (ghép nêm), nếu gốc ghép to hơn hoặc ít nhất là ngang bằng nhau so với cành ghép sẽ tạo nên hiệu quả tối ưu về sinh trưởng – phát triển của cây giống. Hiệu quả của ghép cành thể hiện ở sự “tiếp hợp” phần tượng tầng của gốc ghép và cành ghép với nhau. Sau khi ghép, các mô mềm ở chỗ tiếp xúc giữa cành ghép và gốc ghép do tượng tầng sinh ra phân hóa thành các hệ thống mạch dẫn (mạch libe và bó mạch gỗ). Khi đó dinh dưỡng từ rễ vận chuyển lên các bộ phận trên mặt đất (nhựa nguyên) và dinh dưỡng đồng hóa từ quá trình quang hợp vận chuyển xuống nuôi rễ (nhựa luyện) diễn ra thuận lợi. Nói cách khác quá trình lưu thông, vận chuyển dinh dưỡng giữa gốc ghép và thân cành ghép diễn ra ổn định qua đó thúc đẩy cây ghép phát triển khỏe mạnh.

Trường hợp ngược lại, nếu cành ghép có kích thước lớn hơn gốc ghép, quá trình tiếp hợp vẫn diễn ra tuy nhiên nó sẽ tạo vết sẹo lồi với kích thước lớn, tạo nên hiện tượng “chân hương” trên cây ghép (ngược với thế chân voi). Điều này ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây, ảnh hưởng đến thế tán cây do sự mất cân đối sinh trưởng giữa cành ghép và gốc ghép (thế sinh trưởng của cành ghép mạnh hơn gốc ghép), ảnh hưởng đến lưu thông, vận chuyển dinh dưỡng qua mạch dẫn tại vị trí ghép.

Thứ năm: Ghép là giải pháp có hệ số nhân giống cao, giữ được đặc tính di truyền của cành ghép (mắt ghép). Tuy nhiên nếu lấy cành ghép ở các cây mẹ đã thực hiện ghép qua nhiều thế hệ sẽ dẫn đến tình trạng thoái hóa giống. Ngoài ra cành ghép nếu được lấy từ những cây tơ, cây chưa cho quả ổn định sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ ra hoa đậu quả, độ ổn định về năng suất chất lượng quả (hạt) quả sau này.

Khuyến cáo: Qua theo dõi, nghiên cứu, đánh giá, chúng tôi nhận thấy rằng các dòng mắc ca phù hợp với điều kiện sinh thái tại một số tỉnh Tây Bắc(Điện Biên, Sơn La,..): QN1, 800, 816, 842, 849, 246, A38, 741, 344 (dựa trên các tiêu chí sinh trưởng phát triển sinh dưỡng, kháng sâu bệnh, tỷ lệ đậu quả tự nhiên). Các dòng mắc ca được bộ nông nghiệp công nhận: 800, 842, 849, 244, 741, 695, A38, A4, A16, QN1 (Quế Nhiệt 1). Trong đó các dòng OC, 246 và 816 được công nhận là giống quốc gia.

 

Tư vấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nano trên cây mắc ca:

ThS Phạm Công Khải - Hotline: 0976 804 678 * 0835 99 85 99

Email: chuyengianongnghiep24@gmail.com