Kỹ thuật chăm sóc bưởi diễn sau thu hoạch, phục hồi sức sinh trưởng cây, hãm lộc đông trên cây bưởi diễn
Sau khi thu hoạch bà con khẩn trương tiến hành các biện pháp kỹ thuật chăm sóc sau:
1-Cắt tỉa tạo tán thông thoáng
Sau khi thu hoạch bà con khẩn trương cắt tỉa tạo tán thông thoáng, tạo tán theo kiểu tán mở sao cho ánh sáng tiếp xúc trong tán là lớn nhất, giảm sâu bệnh, tăng hiệu suất quang hợp. Quá trình cắt tỉa cần đảm bảo các điều kiện:
+ Loại bỏ cành tăm, cành vượt, chành che tán, loại bỏ các cành lộc đông mới phát sinh phát triển.
+ Cắt tỉa đau, hạ thấp chiều cao cây, tán mở ở đỉnh.
Sau khi cắt tỉa tạo tán bà con dùng nước vôi đặc quét lên phần gốc cây, chiều cao đạt 80-100cm.
2-Làm cỏ, bón phân cho bưởi diễn sau thu hoạch
2.1 Làm cỏ
Sau mỗi vụ thu hoạch bà con cần tiến hành dọn sạch cỏ dại, loại bỏ nơi trú ngụ của côn trùng và sâu bệnh hại bưởi. Đặc biệt lưu ý làm sạch cỏ dại tại những vùng rễ cây phát triển. Những nơi đất đồi dốc phần ngoài tán có thể để lại cỏ (mục đích hạn chế cạnh tranh dưỡng, giảm rửa trôi khi mưa, giữ ẩm cho đất...).
Lưu ý chung: Nhiều vườn bưởi cỏ dại sinh trưởng mạnh bà con thường sử dụng các loại thuốc trừ cỏ gây tồn dư các chất hóa học độc hại, làm giảm sự đa dạng hệ vi sinh vật đất và ảnh hưởng đến quá trình phát triển bộ rễ tôm. Sử dụng liên tiếp nhiều loại thuốc trừ cỏ gây ngộ độc dễ, tồn dư các kim loại nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển bộ rễ do đó khuyến cáo bà con nên thường xuyên dọn sạch cỏ dại bằng các phương pháp thủ công hoặc sử dụng máy cắt cỏ.
2.2 Bón phân cho bưởi diễn sau thu hoạch
Việc bón phân cho bưởi diễn sau thu hoạch cực kỳ quan trọng. Nếu bón phân không đúng kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến khả năng ra rễ tôm, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả vụ sau.
Biện pháp bón phân được thực hiện như sau:
Bước 1: Xử lý bộ rễ, cuốc rễ, làm đứt rễ phần ngoài tán
Việc đầu tiên bà con cần làm là cuốc xung quanh vùng rễ cây theo hình chiếu tán, làm đứt phần rễ tơ, phần rễ ngoài cùng của cây qua đó làm giảm khả năng hút dinh dưỡng và nước từ đất lên các bộ phận trên mặt đất qua đó hạn chế hiện tượng phát sinh – phát triển lộc đông. Ngoài ra khi xử lý bộ rễ sẽ tạo điện kiện cho cây phát triển rễ tơ mới (loại bỏ rễ cũ thúc đẩy sinh trưởng rễ mới). Bộ rễ mới được thay thế một phần giúp cây tăng cường hiệu suất hấp thu dinh dưỡng, tăng độ ngọt quả ở vụ kế tiếp.
Bộ rễ bị đứt sau khi được xử lý, sau khi xử lý bà con phơi đất cho khô kiệt
Các bước xử lý bộ rễ trước khi bón phân: Cuốc sâu 20-30cm, rộng 30-40cm. Sau khi cuốc xong bà con không được tưới nước, để phơi từ 5-10 ngày cho khô kiệt đất phần xung quanh rễ. Nếu tưới nước lúc này sẽ tạo ra nguy cơ bưởi diễn phát triển lộc đông. Chỉ tưới nước khi cây đã qua ngủ nghỉ và tích lũy dinh dưỡng đủ dài (khoảng từ 30-45 ngày). Thông thường bà con nên tưới nước từ 15-25 tháng 12 âm lịch.
Vai trò của việc xử lý bộ rễ, cuốc rễ xung quanh vùng tán:
+ Cải tạo đất, giúp đất tơi xốp tạo điều kiện thuận lợi cho rễ tơ (rễ mới) phát sinh - phát triển mạnh, hạn chế hiện tượng nghẹt rễ trong mùa mưa.
+ Thay thế bộ rễ tơ cũ của năm trước bằng bộ rễ mới khỏe mạnh hơn, tăng cường sức đề kháng cho bộ rễ.
+ Loại bỏ nguy cơ phát sinh – phát triển lộc đông (phần rễ tơ, rễ non nằm ở đỉnh sinh trưởng rễ thường có chứa hoocmon Cytokinin là một loại hoocmôn trẻ hóa của cây, giúp cây tăng khả năng phát triển mầm chồi dinh dưỡng vì vậy chúng ta cần triệt tiêu).
+ Việc xử lý rễ giúp cây chuyển sang trạng thái ngủ nghỉ đông, tích lũy dinh dưỡng chuẩn bị cho quá trình phân hóa mầm hoa.
Lưu ý chung trong quá trình xử lý rễ:
+ Trong quá trình xử lý rễ, phơi đất vùng rễ nếu gặp điều kiện thời tiết nắng hanh kéo dài, có biểu hiện héo lá nhẹ bà con cần tưới nước bổ sung (tưới nước duy trì).
+ Sau khi cuốc rễ, làm đứt rễ chúng ta vô tình tạo vết thương hở trên bộ rễ tạo điều kiện cho nấm khuẩn xâm nhiễm gây bệnh do đó bà con cần dùng các loại chế phẩm trừ nấm khuẩn an toàn cho bộ rễ để phun trực tiếp lên phần vừa xử lý làm đứt rễ (dùng chế phẩm nano bạc đồng plus và nano đồng oxyclorua phun lên phần rễ bị đứt).
Bước 2: Bón phân cho bưởi diễn
Bón vôi: Mỗi gốc bưởi diễn bà con sử dụng từ 0,5-2kg vôi bột, lượng vôi sử dụng nhiều hay ít phụ thuộc vào tuổi cây và độ chua của đất. Bưởi diễn phát triển thích hợp trên đất có pH = 6,5 – 7. Lưu ý sau khi cuốc đất làm đứt rễ bà con nên phơi khô từ 5-10 ngày sau đó mới bón vôi.
Bón phân hữu cơ hoai mục: Để cải tạo đất, giúp đất tơi xốp, tăng cường hệ vi sinh đất, giúp bộ rễ tôm phát triển mạnh bà con cần bón phân hữu cơ sau mỗi vụ thu hoạch (mục đích cải tạo đất, phục hồi bộ rễ).
Phân bón hữu cơ trước khi bón cần được ủ hoai mục với nấm đối kháng Trichoderma. Lượng phân bón phụ thuộc vào tuổi cây. Thông thường mỗi gốc bưởi bà con bón từ 30-50kg phân chuồng hữu cơ hoai mục (phân trâu bò ủ hoai mục được xem là loại phân hữu cơ phù hợp với bưởi diễn, giúp đất tơi xốp thoáng khí, đất có nhiều hệ mao quản, chất lượng quả tăng rõ rệt).
Như vậy sau khi bón vôi từ 5 – 10 ngày bà con mới tiến hành bón phân hữu cơ hoai mục phối trộn với lân super và đậu tương. Hỗn hợp phân bón không nên đổ trực tiếp xuống rãnh cuốc mà cần phải được trộn đều với đất trước khi bón xuống rãnh đã cuốc. Lượng phân bón như sau:
+ Vôi bột: 0,5 – 2kg (không bón đồng thời với lân super nên bón cách xa 1-2 tuần).
+ Phân hữu cơ hoai mục: từ 30-50kg/gốc
+ Lân super: 0,5-2,5kg tùy tuổi cây
+ Đậu tương nghiền nhỏ: 1-2,5kg/gốc tùy tuổi cây
Hỗn hợp phân bón trên được bón rải đều lên hình chiếu tán (mép ngoài cây), khi bón cần được trộn đều với nhau và trộn đều với đất. Mục đích của việc bón phân sau thu hoạch là giúp cây sinh trưởng rễ tơ mới (bón nhử rễ ngoài tán), phục hồi sức sinh trưởng của cây sau mỗi vụ thu hoạch, cải tạo lý tính và sinh tính của đất, tăng cường sức đề kháng cho bộ rễ.
Sau khi bón phân xong bà con không được tưới nước, chỉ tưới nước bổ sung trong trường hợp thời tiết nắng hanh khô kéo dài và bộ lá có biểu hiện héo nhẹ.
Lưu ý chung khi sử dụng vôi và lân super: bà con không nên sử dụng phân lân super và vôi trong cùng một thời điểm vì vôi sẽ chuyển hóa lân thành dạng muối khó tan – Ca3(PO4)2.
Phun chế phẩm nano bạc đồng plus và nano đồng oxyclorua phòng trị bệnh cho bưởi sau thu hoạch: Sử dụng 50ml nano đồng oxyclorua kết hợp với 50ml nano bạc đồng plus pha với bình 20 lít nước phun đều 2 mặt lá, phun 2 lần mỗi lần cách nhau từ 10-15 ngày.
3.Kỹ thuật hãm lộc đông trên cây bưởi diễn
Vào những năm rét muộn, mưa kéo dài, độ ẩm đất cao, vườn bưởi thừa dinh dưỡng mất cân đối dinh dưỡng thường có nguy cơ xảy ra hiện tượng phát triển lộc đông, lộc đông phát triển dẫn đến hiện tượng cây không đủ tiêu chuẩn phân hóa mầm hoa. Vì vậy sau thu hoạch bà con nên có các biện pháp chủ động hãm lộc đông(hạn chế lộc đông phát triển).
Đối với cây ăn quả có múi nói chung và cây bưởi diễn nói riêng, để cây phân hóa mầm hoa đúng thời điểm bà con cần tác động các biện pháp kỹ thuật với mục đích hãm lộc đông, bởi nếu để lộc đông phát sinh, phát triển mạnh thì khả năng phân hóa mầm hoa gần như không xảy ra, cây sẽ tập trung phát triển lộc cành (lộc đông, lộc dinh dưỡng).
Vậy trong những điều kiện nào thì lộc đông thường phát sinh, phát triển mạnh ?
Các điều kiện làm cho lộc đông dễ phát triển:
+ Những năm rét muộn, mưa kéo dài rất dễ làm lộc đông phát triển, thậm chí ra hoa sớm, trái vụ.
+ Chăm sóc dinh dưỡng không phù hợp, cây mất cân đối dinh dưỡng (thừa đạm, thiếu dinh dưỡng vi lượng..). Ngoài ra lượng quả trên cây có vai trò quan trọng trong việc điều tiết lộc đông.
Như vậy trong một năm (1 vụ) xét về sinh trưởng lộc, bà con nên điều tiết các đợt lộc sao cho phù hợp với sức sinh trưởng của cây. Với bưởi Diễn cần thúc lộc xuân, lộc hè, lộc thu và nuôi chúng phát triển thành thục thành cành mẹ cho năm sau, tuy nhiên đến giai đoạn cuối thu, đầu đông chúng ta cần tác động các biện pháp kỹ thuật để hạn chế lộc đông phát sinh, phát triển (Lộc xuân – hè thường có ý nghĩa kinh tế khi chúng có thể phát triển thành cành mẹ cho năm sau).
Sau khi bón phân xong bà con cần chủ động quản lý sâu bệnh hại bưởi diễn:
+ Phun định kỳ 2-3 lần các thuốc đặc trị nhện đỏ, rệp sáp, rệp muội.
+ Phòng trị bệnh xì gôm chảy mủ gốc, bệnh nấm bồ hóng đen, bệnh loét lá, bệnh ghẻ sẹo: sử dụng chế phẩm nano bạc đồng plus, nano đồng oxyclorua.
Các biện pháp hãm lộc đông trên cây bưởi diễn:
3.1 Khoanh vỏ cây
Mục đích, yêu cầu của việc tiện vỏ cây
+ Làm đứt phần vỏ (libe) của cây, ngăn chặn “tạm thời” khả năng vận chuyển dinh dưỡng từ bộ rễ lên các bộ phận trên mặt đất qua đó hạn chế quá trình phát sinh, phát triển lộc Đông.
+ Đưa cây vào trạng thái ngủ nghỉ, chuẩn bị bước sang thời kỳ phân hóa mầm hoa, ức chế quá trình sinh trưởng sinh dưỡng, làm tăng chất lượng quả (tăng độ ngọt, hạn chế dày vỏ quả)
+ Làm tăng chất lượng quả (quả ngọt hơn) nếu xử lý đúng thời điểm (trước thu hoạch 10-15 ngày).
Thời điểm khoanh vỏ
Việc khoanh vỏ trên bưởi diễn là một biện pháp “bất khả kháng”, nghĩa là tùy vào điều kiện thời tiết và tình trạng sinh trưởng của cây (xét tại thời điểm trước thu hoạch 15-30 ngày và ngay sau khi thu hoạch) để chúng ta có quyết định khoanh vỏ hay không. Khoanh vỏ sẽ ảnh hưởng đến sức sinh trưởng và sức bền của cây, ảnh hưởng đến khả năng giữ quả non ở đầu vụ. Thực tế cho thấy với những năm rét đến sớm, ít mưa (mưa kết thúc sớm) thì hầu như không cần tác động biện pháp khoanh vỏ cây mà chỉ cần cải tạo đất xung quanh vùng rễ cây sinh trưởng (cuốc xới làm đứt một phần rễ non xung quanh hình chiếu tán của cây hoặc các rễ chính của cây). Bởi chính điều kiện thời tiết (nhiệt độ thấp) sẽ làm cây sinh trưởng phát triển chậm lại, nói cách khác là điều kiện tự nhiên (nhiệt độ thấp, ẩm không khí thấp, khô hanh) sẽ đưa cây vào trạng thái tạm ngừng sinh trưởng một thời gian ngắn, lúc này các chất dinh dưỡng từ đất (qua bộ rễ) sẽ hạn chế đưa lên các bộ phận trên mặt đất (thân, lá) do đó làm giảm khả năng phát sinh, phát triển lộc Đông, lúc này cây sẽ ở trạng thái “ngủ nghỉ”. Muốn bưởi Diễn ra hoa đồng đều, tập trung, tỷ lệ đậu quả cao thì cần phải tạo cho cây có một khoảng thời gian nhất định để “ngủ nghỉ đông” do vậy không nên thu hoạch quá muộn vừa ảnh hưởng đến chất lượng quả, vừa ảnh hưởng đến khả năng phân hóa mầm hoa sau này.
Lưu ý thêm: Theo nghiên cứu thực tế, chúng tôi thấy rằng khả năng phát sinh, phát triển của lộc đông sớm có liên quan đến số quả mang trên cây. Thường số quả/cây ít, thưa (do bị rụng từ đầu vụ) sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát lộc đông cao hơn so với cây mang quả nhiều.
Tuy nhiên với những năm rét muộn (ấm nóng, độ ẩm cao), mưa kết thúc muộn bưởi Diễn sẽ phát triển không theo quy luật mùa vụ: Lộc phát sinh sớm và tập trung nhiều tại thời điểm trước khi thu hoạch 15-35 ngày, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng phân hóa mầm hoa (mất đợt hoa 1, mất mùa ở vụ kế tiếp) đồng thời làm giảm chất lượng quả nghiêm trọng (bưởi nhạt, tép khô, quả to, vỏ dày, màu sắc vỏ quả xấu, độ đồng đều kém, quả chín muộn…). Chính vì vậy chúng ta cần phải can thiệp các biện pháp kỹ thuật tác động đồng thời như khoanh vỏ kết hợp với chặt rễ.
Có thể khoanh vỏ khi cây đang mang quả (trước thu hoạch 10-20 ngày)
Thời điểm khoanh vỏ: tùy tình trạng của cây để đưa ra thời điểm thích hợp
Thứ nhất: khoanh vỏ trước khi thu hoạch 10-15 ngày.
Quan sát sức sinh trưởng của cây và diễn tiến của thời tiết trong phạm vi 10-15 ngày kế tiếp. Nếu cây sinh trưởng mạnh có dấu hiệu phát triển lộc đông, bộ lá cây xanh dày bóng, bản lá (phiến lá) to bất thường cộng thêm thời tiết ấm kéo dài, độ ẩm cao thì nên tiến hành khoanh vỏ các cành cấp 1, chọn lọc cành khỏe để khoanh, cành nhỏ, yếu thì để lại, không nên khoanh tất cả số cành cấp 1 trên cây (chống sốc dinh dưỡng). Sau khi thu hoạch có thể kiểm tra lại một lần nữa nếu thấy cần thiết thì khoanh tiếp đợt 2. Lưu ý việc khoanh vỏ trước thu hoạch cần phải cẩn thận, khoanh đúng kỹ thuật nếu không sẽ làm rụng quả.
Thứ hai: Khoanh vỏ ngay sau khi thu hoạch
Với những cây mang nhiều quả, khả năng phát triển lộc ở mức trung bình, có thể kiểm soát được thì nên để sau khi thu hoạch mới khoanh vỏ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến khả năng mang quả của cây (rụng quả trước thời điểm thu hoạch).
Như vậy biện pháp khoanh vỏ áp dụng sớm hay muộn tùy thuộc vào sức sinh trưởng và năng suất quả của từng cây, đặc biệt là điều kiện thời tiết khí hậu. Những năm rét muộn, mưa kéo dài, độ ẩm cao thường xuyên liên tục…cần chủ động khoanh vỏ sớm kể cả đối với cây đang mang quả.
Tựu chung lại khi khoanh vỏ cần lưu ý những vấn đề sau đây:
+ Với cây đang mang nhiều quả, khi thực hiện biện pháp khoanh vỏ sớm có thể làm quả rụng. Để khắc phục tình trạng này bà con nên áp dụng khoanh từng phần (chọn lọc từng cành). Với những cành sinh trưởng mạnh, lá xanh, dày, nhiều cành vượt, cành mang ít quả nên khoanh sớm.
+ Với những cây mang ít quả hoặc năm trước bị mất mùa cần tiến hành cắt tỉa tạo tán thông thoáng theo hướng tán mở (ánh sáng có thể chiếu vào trong tán), hạn chế sâu bệnh, tăng sức đề kháng cho cây. Sau đó tiến hành khoanh vỏ sớm hơn so với những cây sai quả.
+ Chọn lọc từng cây để khoanh vỏ, việc khoanh vỏ thường áp dụng với cây khỏe, sinh trưởng mạnh, với những cây yếu cần xem xét trước khi khoanh hoặc khoanh 60-80% số cành trên cây.
+ Nói chung nên hạn chế sử dụng biện pháp khoanh vỏ, vì biện pháp này ảnh hưởng đến sức bền của cây, tỷ lệ đậu quả và chất lượng quả(thông thường 4-5 năm mới áp dụng một lần).
Kỹ thuật khoanh vỏ
Khi khoanh vỏ nên khoanh theo kiểu một vòng tròn khép kín 360o và chỉ làm đứt phần vỏ với một khoảng rộng vừa đủ tùy theo đường kính thân, cành (khoanh vừa chạm gỗ, không ăn sâu vào gỗ). Nếu bắt buộc phải khoanh 2 vòng liên tiếp thì vòng nọ cách vòng kia 15-20cm, khoanh xong tuyệt đối không bóc vỏ. Nếu cây có nhiều cành cấp 1, bộ lá dày, có màu xanh đen, biểu hiện sinh trưởng mạnh thì khoanh từng cành cấp 1 (khi khoanh có thể để lại cành nhỏ và yếu nhất), có thể khoanh luôn đồng thời 2 vòng, mỗi vòng cách nhau 15-20cm. Nếu cây phát triển bình thường, sinh trưởng không quá mạnh thì khoanh một vòng (thực hiện khoanh 1 vòng duy nhất trên cành). Khi khoanh chú ý vết khoanh gọn, không bị nát phần vỏ, vết khoanh không quá rộng, không quá hẹp, đảm bảo vết khoanh liền nhanh khi cần thiết.
Khoanh vỏ xong, dùng SHELLAC SUGER 1000 quét trực tiếp vết khoanh. Tác dụng điều tiết sinh trưởng, hạn chế Lộc phát triển và nấm bệnh xâm nhập qua vết khoanh vỏ đồng thời chống sốc dinh dưỡng sau khi khoanh vỏ cây. Khi vết khoanh đã khô, dùng băng keo màu đen cuốn chặt vết khoanh.
3.2 Biện pháp xử lý bộ rễ (chặt rễ)
Mục đích của việc chặt rễ
+ Loại bỏ hoocmone Cytokinin có trong phần rễ non của cây qua đó ức chế phát sinh lộc đông, tạo điều kiện ngủ nghỉ (ủ mầm hoa), thúc đẩy ra hoa đồng đều, tập trung thành từng đợt (đa phần hooc môn kích thích sinh trưởng nội sinh của cây được hình thành ở đỉnh sinh trưởng của bộ rễ - phần rễ non).
+ Loại bỏ một phần nấm bệnh tồn tại trên phần rễ non, lông hút của cây (phần rễ này làm việc khá nhiều trong một năm do đó thường xuyên phát sinh nguồn bệnh).
+ Kích thích quá trình phát sinh, phát triển rễ tôm (rễ hút mới) của cây ở vụ kế tiếp, tăng cường khả năng hấp thụ dinh dưỡng nuôi hoa, quả, hạn chế rụng quả sinh lý, giảm tỷ lệ khô quả, tăng chất lượng quả.
Lưu ý: Nên kết hợp giữa khoanh vỏ và chặt rễ nếu cây sinh trưởng quá mạnh, thời tiết ấm kéo dài, mưa kết thúc muộn, theo dõi sâu sát tình trạng phát triển của cây, chủ động kìm hãm quá trình phát triển Lộc Đông.
Thời điểm chặt rễ
+ Với cây bưởi tơ: làm sớm từ trung tuần tháng 10 đến 10 -15 tháng 11 âm lịch, thời gian tiến hành sớm hay muộn tùy sức sinh trưởng của cây và điều kiện thời tiết.
+ Với cây bưởi kinh doanh, cây đang mang quả: Sau thu hoạch, cắt tỉa tạo tán thông thoáng (tán mở), loại bỏ cành tăm, cành vượt, cành sâu bệnh sau đó tiến hành chặt rễ ngay, không nên xử lý quá muộn, đặc biệt với những năm có mưa kéo dài và rét muộn.
Kỹ thuật chặt rễ
Thông thường để đạt hiệu quả cao người làm vườn cần chủ động theo dõi sức sinh trưởng của cây, điều kiện thời tiết qua đó đưa ra những biện pháp kỹ thuật tác động phù hợp cho từng cây. Các kỹ thuật tác động cơ giới cần được áp dụng linh động, đôi khi cần kết hợp một vài biện pháp kỹ thuật đồng thời mới đem lại hiệu quả cao. Có hai phương án để bà con lựa chọn:
Phương án 1: trước khi thu hoạch 10-15 ngày, tiến hành khoanh vỏ trước. Sau khi thu hoạch, cắt tỉa tạo tán thông thoáng sau đó chặt rễ sau (cuốc sâu, rộng 30-35cm). Phương pháp này áp dụng khi cây đang mang nhiều quả (sai quả), khoanh vỏ trước thu hoạch sẽ làm chất lượng quả tăng lên(quả ngọt hơn). Các bước khoanh vỏ nên làm nhẹ nhàng, cẩn thận, khoanh vỏ vào ngày nắng, khô. Khi khoanh chú ý chỉ khoanh đứt phần vỏ, vừa chạm gỗ, không ăn sâu vào gỗ. Khoanh vỏ không đúng kỹ thuật, khoanh quá sâu sẽ gây rụng quả nếu gặp điều kiện thời tiết bất lợi. Đối với những cây sinh trưởng quá mạnh nên khoanh chọn lọc từng cành cấp 1 và khoanh 70-90% số cành trên cây, để lại cành nhỏ và yếu.
Phương án 2: Với cây mang ít quả, cây bưởi tơ hoặc cây bị mất mùa có thể kết hợp khoanh vỏ và chặt rễ cùng một thời điểm để hãm lộc đông hiệu quả hơn, đồng thời tạo cho cây bước vào ngủ nghỉ sớm, có thời gian ủ mầm hoa, sau này mầm hoa phân hóa đồng đều và khỏe mạnh. Những năm có mưa kết kéo dài và rét muộn (ẩm và ấm kéo dài) bà con nên tiến hành làm sớm vào khoảng cuối tháng 10 đến trước 20-25/11 âm lịch. Đồng thời chủ động thu hoạch Bưởi sớm hơn, trước 15-25/11 âm lịch (với bưởi Diễn muộn).
Phần tiếp theo:"Kỹ thuật chăm sóc bưởi diễn thời kỳ ra hoa đậu quả, tăng tỷ lệ đậu quả, chống rụng quả sinh lý cho bưởi diễn, hạn chế tác hại của mưa axít và nấm bệnh gây rụng quả non".
(Khi sao chép tài liệu trên cần dẫn nguồn cụ thể hoặc xin phép tác giả)
TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO NANOTECH
Tư vấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp:
ThS Phạm Công Khải - Hotline: 0976 804 678 * 01235 99 85 99
Email: nanobacsuper@gmail.com
Viết bình luận: