1.6 Đặc điểm phát sinh, phát triển và giải pháp phòng trừ rệp sáp, rệp muội hại mắc ca

Rệp sáp có kích thức nhỏ, cơ thể hình bầu dục và 2 bên có những tua ngắn mềm, trên thân có lớp bông trắng như bông gòn nên còn được gọi là rệp phấn trắng. Rệp sáp thường bám và chích hút nhựa cây ở chồi, lá non, nụ hoa, quả non, cuống lá…

Rệp muội còn gọi là rầy mềm, rệp muội có kích thước nhỏ, màu đen, xanh đen, hay vàng nhạt. Chúng thường tập trung mặt dưới lá, trên đọt non và lá non cây mắc ca. Chất thải của chúng thường thu hút và phát sinh nấm muội đen tạo thành lớp muội đen trên mặt lá (làm giảm hiệu suất quang hợp của cây).

Nhìn chung rệp sáp, rệp muội là nhóm côn trùng chích hút nhựa cây. Chúng thường tập trung chích hút các bộ phận còn non của cây mắc ca, nhất là các đọt non, lá non làm cho đọt non, lá non dị dạng, lá bị cong và co lại, chậm phát triển. Ngoài ra rệp sáp, rệp muội còn là tác nhân (trung gian/môi giới) truyền bệnh virus Tristeza và bệnh virus chổi rồng.

                                       

Rệp và Kiến sống cộng sinh, chích hút quả và cuống quả non mắc ca giai đoạn ra hoa đậu quả (gây rụng quả non)

Giải pháp phòng trừ rệp sáp, rệp muội:

+ Cần kiểm soát kiến vì kiến và rệp có tính cộng sinh (chất thải của rệp làm cho kiến phát triển mạnh, kiến bảo vệ rệp khỏi các thiên địch).

+ Cắt tỉa cành tạo tán thông thoáng, loại trừ nơi trú ngụ của rệp (làm sạch cỏ dại xung quanh gốc).

+ Thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện rệp cần phun các nhóm hoạt chất thuốc sau(diệt ấu trùng, trứng, trưởng thành): Nano Đồng Oxyclorua kết hợp với các hoạt chất Clothianidin, Acephate, Alpha Cypermethrin, Imidacloprid, Buprofezin, Chlopiripos Ethyl kết hợp Fipronil.

1.7 Đặc điểm phát sinh, phát triển và giải pháp phòng trừ bọ xít hại mắc ca 1.7.1 Bọ xít muỗi hại mắc ca

Đặc điểm hình thái, phát sinh, phát triển của bọ xít muỗi:

Bọ xít muỗi thuộc họ bọ xít mù (Miridae), bộ cánh nửa (Hemiptera). Bọ xít muỗi trưởng thành có thể sống trong vài tuần, cơ thể dài từ 6,5 - 8,5mm, có gai nhọn phía giữa ngực, chân dài và mỏng manh như chân muỗi. Con cái có thể đẻ 30-50 trứng trong thời gian sống. Trứng có màu trắng, dài khoảng 1mm, nằm rải rác hoặc thành cụm trên thân, cuống lá non, trứng nở sau một tuần.

Quy luật gây hại của bọ xít muỗi trên cây mắc caBọ xít muỗi gây hại quanh năm, tập trung mạnh vào mùa mưa, các đợt lộc non phát triển. Bọ xít muỗi trưởng thành hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều mát. Bọ xít muỗi dùng vòi chích xuyên qua các mô thực vật (nước bọt của chúng rất độc), gây ra các vết hoại tử trên lá non, cành, quả non, tạo thành các vết sẹo trên lá và quả, gây biến dạng quả, gây chết chồi, cành cây hoặc toàn bộ cây. Ngoài ra, thông qua vết chích, nấm bệnh dễ dàng xâm nhập gây hại (có thể gây thối lõm vỏ quả, rụng quả hoặc tạo các vết đốm đen nhỏ trên bề mặt vỏ quả).

Bọ xít muỗi chích quả non mắc ca làm cho quả bị đốm đen

1.7.2 Bọ xít xanh hại mắc ca

Bọ xít xanh thuộc họ bọ xít năm cạnh (Pentatomidae), bộ cánh nửa (Hemiptera). Thành trùng có hình ngũ giác, màu xanh lục sáng, dài khoảng 1-1,2cm. Hai bên góc vai có 2 chấm đen nhỏ, râu đầu 5 đốt với 2 đốt cuối màu đỏ nâu và to hơn các đốt chân râu. Bọ xít xanh trưởng thành hoạt động giao phối vào ban ngày, trứng được đẻ thành từng ổ, mỗi ổ trứng có từ 30-130 trứng. Tương tự như bọ xít muỗi, bọ xít xanh chích hút lá non, đọt non, quả non làm chúng biến dạng, chậm phát triển,…(trưởng thành bọ xít xanh sống 1-2 tháng, sống lâu hơn bọ xít muỗi, chúng có tập tính ngủ đông tại vỏ thân cây, hoặc bụi cỏ rậm rạp).

Họ bọ xít năm cạnh (Pentatomidae)

1.7.3 Giải pháp phòng trừ bọ xít hại mắc ca

+ Định kỳ làm sạch cỏ gốc và bán kính vài mét xung quanh cây mắc ca.

+ Tỉa cành, tạo tán thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ của bọ xít.

+ Bón phân cân đối, tăng sức đề kháng cho cây.

+ Bảo vệ thiên địch (kiến vàng ăn ấu trùng tuổi nhỏ bọ xít muỗi).

+ Kiểm tra thường xuyên các đợt lộc cành (bọ xít thường hại đọt non), thời kỳ phân hóa và phát triển chùm hoa, phát hiện sớm qua đó có giải pháp phun thuốc, khống chế bọ xít, không để chúng sinh sản mạnh và lây lan diện rộng.

Biện pháp sinh học: Sử dụng chế phẩm có chứa nấm ký sinh Metarhizum anisopliae, Beauveria bassiana, Paecilomyces sp.

Biện pháp hóa học: Phun các loại thuốc có chứa các hoạt chất Imidacloprid, Etofenprox, Emamectin benzoate, Cypermethrin, Chlorpyrifos Ethyl,....

Lưu ý: Nên phun thuốc khi bọ xít ở giai đoạn tuổi nhỏ, phun luân phiên các hoạt chất khác nhau, không nên sử dụng một hoạt chất liên tục trong thời gian dài.

1.8 Đặc điểm phát sinh, phát triển và giải pháp phòng trừ sâu đục thân cành hại mắc ca

Đặc điểm phát sinh và gây hại: Sâu đục thân là ấu trùng sâu non của bọ cánh cứng Xén tóc (họ Cerambycidae). Xén tóc trưởng thành thường đẻ trứng vào ban đêm, tại các kẽ của thân cây, các vết nứt hoặc nhánh cây(cách mặt đất 20-100cm) vào tháng 5-7. Sau 10-15 ngày trứng nở thành ấu trùng sâu non, sau đó chui vào vỏ và phá hoại phần gỗ, tạo thành những đường đục ngoằn ngoèo. Trên cây mắc ca sâu đục thân có thể tồn tại 8-12 tháng, chúng đục từ cành cấp 1-2 đến thân chính, có thể đục xuống gốc gây chết cây.

Sâu đục thân thường hóa nhộng vào tháng 2 và vũ hoá thành xén tóc vào tháng 3-6. Vòng đời của sâu đục thân kéo dài từ 1-3 năm (xén tóc nâu 2-3 năm, xén tóc sao và xén tóc xanh 1 năm).

 

Sâu đục thân

Giải pháp phòng trừ sâu đục thân:

+ Cắt tỉa tạo tán thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ và đẻ trứng của xén tóc.

+ Định kỳ làm cỏ gốc, hạn chế cỏ mọc um tùm xung quanh gốc cây.

+ Đối với mắc ca 5-10 tuổi, có đường kính gốc to nên quét vôi gốc 1 lần/năm.

+ Chăm sóc, bón phân cho cây khỏe mạnh, phát triển cân đối, không để gốc cây bị khô nứt, xì mủ (vì đây sẽ là nơi lý tưởng cho xén tóc đẻ trứng).

+ Chủ động phát hiện sớm sâu đục thân để xử lý sớm và kịp thời.

Các dấu hiệu nhận biết sâu đục thân: quan sát tổng thể cây, nếu có đọt cành bị khô héo thì tỷ lệ cao là bị sâu đục thân, cần tìm diệt sâu đục thân bằng cách cắt tỉa loại bỏ cành này. Đối với các cành cấp 1 và thân chính của cây mắc ca cần quan sát các lỗ đục trên thân/cành và phân thải (mùn cưa) trên mặt đất hoặc bám trên thân cành. Nếu có dấu hiệu của sâu đục thân cần triển khai biện pháp xử lý, tiêu diệt sâu đục thân: Dùng dây thép nhỏ luồn vào lỗ đục để diệt sâu, sau đó sử dụng thuốc có chứa các hoạt chất Rotenone, Cypermethrin hoặc thuốc Abamectin, Sherpha ở nồng độ cao rồi bơm vào vết đục lỗ của sâu đục thân. 

Sâu đục quả non mắc ca

Tư vấn kỹ thuật, giải pháp ứng dụng công nghệ nano sinh học trên cây mắc ca

ThS Phạm Công Khải - Hotline: 0976 804 678 * 0835 99 85 99

Email: chuyengianongnghiep24h@gmail.com