Các vấn đề khó khăn gặp phải trong quá trình chăm sóc cam đường canh
Trong những năm gần đây cây có múi được người dân quan tâm và mở rộng diện tích. Tại các tỉnh miền bắc tùy vào chất đất, thế mạnh về trình độ thâm canh mà người dân lựa chọn trồng cam hay bưởi hoặc trồng cả hai theo dạng phân chia lô sao cho phù hợp với từng giống cây có múi. Trong các giống cây có múi thì bưởi diễn và cam canh là 2 nhóm cây ăn quả khó làm nhất, yêu cầu kỹ thuật cũng như kinh nghiệm, trình độ thâm canh cao hơn. Đặc biệt đối với cam đường cây được xem là cây rất khó tính. Trong quá trình chăm sóc đòi hỏi nhà vườn cần có các biện pháp kỹ thuật chăm sóc phù hợp, cân đối. Cây cam đường canh là nhóm cây có múi khó tính nên yêu cầu kỹ thuật rất cao. Hầu hết các nhà vườn mới bước vào làm, chưa có kinh nghiệm thường gặp thất bại ở 2-3 vụ đầu tiên. Mặc dù có đi tham khảo học hỏi ở nhiều nơi khi đưa về áp dụng tại vườn nhà mình đôi khi chưa chắc đã thành công bởi chất đất khác nhau, trình độ thâm canh và kinh nghiệm khác nhau nên nhiều khi áp dụng máy móc sẽ không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Sau nhiều năm nghiên cứu, theo dõi đánh giá, hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn cho nông dân tại các vùng trồng cây có múi (Miền Bắc), chúng tôi đưa ra những vấn đề khó khăn mà các nhà vườn gặp phải trong quá trình chăm sóc cam đường canh như sau:
Khó khăn thứ nhất: Cam canh thường bị nhiễm nấm bệnh gây thối rễ, vàng lá, chết cây
Đối với cam canh dù là cây tơ hay cây đang kinh doanh đều phải xử lý bộ rễ, tác động cơ giới bộ rễ làm tổn thương bộ rễ (mục đích là hãm lộc, ủ mầm hoa trước khi bước vào vụ kế tiếp). Chính các biện pháp cơ giới này làm cho bộ rễ cây cam đường suy yếu dần, các vết thương hở nếu không được xử lý phù hợp thường sẽ bị nấm phytophthora sp., Fusarium sp. Xâm nhiễm và gây bệnh vàng lá thối rễ. Bệnh nhẹ thì làm suy giảm sức sinh trưởng của rễ, hiệu suất hấp thu dinh dưỡng kém dẫn đến phát triển quả không cân đối, bộ lá nhỏ, yếu. Ngoài ra quá trình xử lý bộ rễ thường xuyên qua từng năm thường làm cho cây suy giảm sức sinh trưởng, bộ rễ nhiễm nấm bệnh gây nên tình trạng yếu cây, cây kém bền, thời kỳ kinh doanh ngắn.
Quá trình làm rễ, xử lý rễ thường tạo ra phết thương hở, nấm khuẩn dễ xâm nhiễm và gây bệnh vàng lá thối rễ (nấm Phytophthora sp. và nấm Fusarium sp.)
Cam canh bị thối rễ vàng lá, chết rút phải chặt bỏ
Khó khăn thứ hai: Thời kỳ ra hoa đậu quả non thường gặp thời tiết bất lợi
Cam canh thường ra hoa đậu quả vào tháng 1-2 âm lịch hàng năm, thời điểm này trùng với thời điểm đầu xuân, thường có mưa phùn ẩm kéo dài, mưa axít, độ ẩm cao, cường độ ánh sáng yếu. Sự cộng hưởng của nấm khuẩn gây bệnh và mưa axít, cường độ ánh sáng yếu làm suy giảm sức sống hạt phấn, ảnh hưởng tới tỷ lệ đậu quả và nuôi quả non giai đoạn tháng 2-3 (các điều kiện thời tiết bất lợi đầu vụ có thể gây chết hạt phấn, hỏng nhụy cái, thối hoa do nấm bệnh…).
Khó khăn thứ ba: Phát triển lộc xuân của cam canh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỷ lệ đậu quả và giữ quả non, gây rụng quả hàng loạt ngay từ khi mới rụng cánh, quả non vừa hình thành
Cam canh cũng như các cây ăn quả có múi khác, thời điểm đầu xuân thường có xu hướng phát triển lộc (tháng 1-3 âm lịch). Mức độ hay tỷ lệ cây bật lộc nhiều hay ít phụ thuộc vào sức cây, thời tiết và dinh dưỡng phân bón trước đó của nhà vườn. Nếu cam đường canh phát triển lộc mạnh trùng với thời điểm ra hoa rộ, đậu quả non thường sẽ đẩy quả hàng loạt, rất khó kiểm soát và nhà vườn đối diện với nguy cơ mất mùa (vì cam canh sẽ không ra hoa 2 như bưởi). Chính vì vậy nhà vườn cần chủ động hãm cây bằng cách tiện vỏ mịn (khoanh vỏ) từ 1-3 lần ở thời điểm cánh hoa rụng, vừa mới hình thành quả non. Số lần hãm phụ thuộc vào chất đất, sức sinh trưởng của cây và điều kiện thời tiết. Để hãm thành công, giữ quả non cần chọn thời điểm hãm cho phù hợp từng cây, từng vườn.
Ngoài ra thời kỳ ra hoa đậu quả non trùng với thời điểm nấm bệnh và nhện đỏ, nhện trắng phát triển mạnh. Sự gây hại của nhện đỏ làm quả non rụng nhiều. Thời điểm này nếu nhà vườn sử dụng thuốc trừ nhện không kịp thời sẽ gây rụng quả. Việc sử dụng thuốc trừ nhện không đạt tiêu chuẩn phun vào giai đoạn này cũng gây nên tình trạng ngộ độc cây và rụng quả non khó kiểm soát. Khoanh vỏ giữ quả quyết định 50-60% thành công, còn lại là các biện pháp điều tiết dinh dưỡng cân đối phù hợp và chủ động quản lý sâu bệnh.
Không chỉ cam canh, bưởi diễn cũng bị mưa acid và nấm khuẩn gây bệnh thối hoa đen quả non, gây rụng hàng loạt
Khó khăn thứ tư: Cam canh thường bị nứt nổ quả ở giai đoạn từ tháng 7-9 hàng năm (âm lịch) làm giảm năng suất cũng như chất lượng quả
Hiện tượng nứt nổ quản trên cam canh là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên nhà vườn cần bón phân cân đối (qua gốc và lá) sao cho tỷ lệ nứt quả là thấp nhất (chủ động kiểm soát nứt quả). Những năm mưa nhiều, bón phân không cân đối, thừa dinh dưỡng đa lượng đặc biệt là đạm hiện tượng nứt vẫn xảy ra mạnh vào cuối tháng 8 và tháng 9 âm lịch.
Chất lượng quả, mã quả đẹp hay không phụ thuộc phần lớn vào cách bón phân, phòng trừ sâu bệnh. Rất nhiều nhà vườn sau khi thu hoạch quả có trọng lượng quá lớn, khó bán. Do đó để quả nhỏ vừa phải, dễ bán, giá cao nhà vườn cần phải giữ quả tốt, chống rụng, làm mọi cách để cây sai quả nhưng phải phù hợp với sức của cây. Kết hợp các biện pháp chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cân đối. Phần lớn chúng tôi thấy rằng với những cây thưa quả, ít quả, bón phân không cân đối, thừa dinh dưỡng đa lượng hầu hết quả phát triển to, vỏ quả xấu, kém nhẵn bóng, khi chín lên mã không đẹp.
Khó khăn thứ năm: Cam canh thường bị nấm phytophthora., Fusarium sp. xâm nhiễm qua vết thương hở ở rễ gây nên bệnh thối rễ vàng lá, chết rút cây. Trong quá trình chăm sóc cam canh, bộ rễ thường bị tác động cơ giới, tạo ra các vết thương hở. Qua các vết thương hở này nấm khuẩn xâm nhiễm và gây bệnh vàng lá thối rễ. Bệnh thường biểu hiện triệu chứng rõ rệt vào cuối năm từ tháng 10-12 âm lịch. Những nhà vườn có kinh nghiệm và kỹ thuật tốt có thể duy trì thời gian kinh doanh của cam canh lên tới 8-15 năm. Ngược lại chăm sóc không tốt, cây kém bền, suy yếu nhanh, thời gian kinh doanh của cam canh chỉ đạt trung bình từ 5-7 năm.
Hầu hết cam canh đều phải làm rễ để ép lộc cành mẹ ngủ nghỉ. Những năm mưa kéo dài, rét muộn cần phải kết hợp vừa làm rễ và vừa tiện mịn(ức chế lộc đông). Thời gian ngủ nghỉ của cây phải đủ dài cây mới khỏe, hoa to đều, tỷ lệ đậu cao. Nếu thu hoạch quá muộn rất khó làm hoa, thậm chí cây không ra hoa đúng thời vụ, khó giữ quả (trừ trường hợp ép cây, làm đau cây nhưng cây rất yếu ở các thời kỳ phát triển tiếp theo).
Đối với cam canh đang trong thời kỳ kinh doanh, thời gian ngủ nghỉ của cây kéo dài 20-35 ngày là tốt nhất. Với cam tơ thời gian ngủ nghỉ thường dài hơn (khoảng 1,5-2 tháng). Chính vì vậy bà con cần xác định thời điểm thu hoạch tối ưu vào khoảng cuối tháng 11 đến trước ngày 10-15/12 âm lịch.
Để khắc phục những khó khăn trên, sau nhiều năm nghiên cứu, đánh giá, thu thập số liệu chúng tôi có đưa ra một số giải pháp nhằm hỗ trợ kỹ thuật các nhà vườn mới bắt đầu làm cam. Các giải pháp mang tính định hướng kỹ thuật, hướng dẫn cơ bản các bước chăm sóc cây cam canh theo các thời kỳ sinh trưởng. Khuyến cáo nhà vườn tham khảo và chọn lọc các giải pháp sao cho phú hợp với từng khu vực địa lý, chất đất, tập quán canh tác, áp dụng linh hoạt, không máy móc mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong tài liệu hướng dẫn có lồng ghép ứng dụng công nghệ nano ở một số giai đoạn, các nhà vườn tham khảo từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với điều kiện thực tế vườn nhà mình.
Canh canh giai đoạn phát triển quả từ tháng 6-8 cần đạt tiêu chuẩn quả đều, vỏ bóng, mềm, không bị vàng lá, vàng quả sớm, tỷ lệ nứt quả được kiểm soát ở mức thấp nhất
TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO NANOTECH
Tư vấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp:
ThS Phạm Công Khải - Hotline: 0976 804 678 * 0835 99 85 99
Email: nanobacsuper@gmail.com
Viết bình luận: